Tín hiệu đến Trái Đất dưới dạng chớp sóng vô tuyến (FRB), được đặt tên là FRB 20200120E. Nhóm khoa học gia quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển) đã lần theo manh mối và tìm ra nó được phát từ một thiên hà mang tên M81, cách chúng ta 11,7 triệu năm ánh sáng.
Với khoảng cách đó, đây trở thành nguồn phát sóng vô tuyến ngoài thiên hà gần nhất từng được phát hiện, gần hơn tới 40 lần so với nguồn xếp thứ nhì.
Lần sâu hơn vào thiên hà M81, họ phát hiện ra rằng tín hiệu dẫn tới một cụm sao cầu. Điều này gây kinh ngạc bởi theo các lý thuyết được xây dựng trước đây, chớp sóng vô tuyến phải đến từ một thứ gì đó dữ dội, ví dụ một vụ va chạm giữa sao neutron, sao từ..., là tàn dư của những ngôi sao khổng lồ.
Nhưng cụm sao cầu là một thế giới bình yên của nhiều ngôi sao khối lượng thấp. Điều này đã dẫn đến một giả thuyết thú vị khác: Các ngôi sao cỡ Mặt Trời chúng ta hoặc nhỏ hơn vẫn có thể sụp đổ thành sao lùn trắng, và sao lùn trắng bé nhỏ đó vẫn đủ khối lượng để hình thành một sao neutron sau đó.
Có nhiều giả thuyết được nhóm nghiên cứu đặt ra về thứ phát ra sóng vô tuyến: đó thậm chí có thể là một hành tinh khác, tình cờ song hành với một sao neutron; đó có thể là một lỗ đen đang bồi tụ, hoặc cặp đôi sao lùn trắng - sao neutron nhỏ.
Viết trên bài công bố trực tuyến trên arXiv, nhóm tác giả tin rằng dù nó xuất phát cụ thể từ thứ gì thì đó sẽ là một phát hiện đủ "làm rung chuyển" mọi thứ. Nghiên cứu mới này chỉ mới tìm ra thế giới mẹ - thiên hà M81 - nhưng các tác giả vẫn đang tiếp tục làm việc để xác định thứ cụ thể đó. Còn rất nhiều cơ hội, bởi nguồn phát sóng vô tuyến này vẫn đang không ngừng phát tín hiệu mới tới Trái Đất.
Chớp sóng vô tuyến được coi là một trong những bí ẩn lớn nhất trong khoa học thiên văn. Nó luôn được "chăm sóc chu đáo" bởi ngoài giả thuyết là tín hiệu phát ra từ một vật thể hung dữ, người ta còn nghi ngờ rằng một số chớp sóng vô tuyến chính là tín hiệu của người ngoài hành tinh.