Hạt vũ trụ xuyên thủng núi lửa Trái Đất, phơi bày nhiều bất ngờ

Muon - những hạt hạ nguyên tử ma quái được tạo ra khi các tia vũ trụ đi vào bầu khí quyển Trái Đất - đang được các nhà khoa học ứng dụng để lập bản đồ cấu trúc núi lửa, giúp dự đoán các vụ phun trào nguy hiểm.

Theo Science Alert, hạt muon hiện diện ở khắp mọi nơi và nếu nhìn thấy chúng, bạn có thể thấy vài trăm cú tấn công của hạt muon về phía bạn mỗi giây. Tin mừng là nó vô hại.

Với giới khoa học, muon dần trở thành báu vật. Cách đây 4 năm, các nhà khảo cổ đã sử dụng các hạt này để khám phá một căn phòng ẩn bên trong kim tự tháp Giza huyền bí.

Hạt muon có thể giúp lập bản đồ núi lửa, dự báo các vụ phun trào nguy hiểm - Ảnh: REUTERS

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society cho biết họ vừa tìm ra một cách ứng dụng mới cho hạt muon, đó là cho chúng xuyên vào các núi lửa, từ đó chụp ảnh và lập bản đồ cấu trúc các dòng magma ẩn bên trong núi lửa.

Nhà địa vật lý Giovanni Leone từ Đại học Atacama ở Chile ví phương pháp này như "chụp X-quang" núi lửa. Nhiều hạt muon có thể đi xuyên qua mặt bên của các núi lửa, tuy nhiên với một số ngọn núi lửa đủ dày đặc, chúng sẽ không vượt nổi đến tận phía bên kia.

Theo Bussiness Insider, thông qua việc ước lượng những hạt muon nào "sống sót" sau cuộc hành trình, họ lại có thể biết được độ dày đặc của từng vị trí bên trong núi lửa, để từ đó tạo nên một bản đồ sống động bằng cách thiết lập hàng loạt máy dò muoan ở 2 bên sườn núi lửa. Nơi nào muon đi qua hoàn toàn sẽ tạo ra màu đen trên ảnh chụp, nơi nào càng ít muon đi qua sẽ càng trắng, tương tự như phim X-quang.

Phương pháp giúp tạo ra một hình ảnh 3D thô vè cấu trúc núi lửa, từ đó giúp phát hiện các hồ chứa magma và theo dõi chuyển động của các dòng magma, từ đó dự báo được sự dâng lên của vật liệu nóng chảy này - dấu hiệu của sự phun trào.