Với tổng tài sản lên tới 1,7 tỷ USD cùng chức vụ COO Facebook (Giám đốc Điều hành Thứ cấp - người có quyền lực chỉ xếp dưới CEO Mark Zuckerberg), Sheryl Sandberg hiện là một trong những người phụ nữ giàu có, tài giỏi và có tầm ảnh hưởng lớn hàng đầu thế giới. Với cương vị đảm nhận trong gần 10 năm thăng trầm tại Facebook, Sheryl thật sự đã chứng minh được sự quan trọng của mình trong công cuộc gây dựng công ty từ khi còn là một thương hiệu mới nổi.
Thế nhưng, cuộc đời cô lại chưa hẳn đã có những khoảnh khắc màu hồng tươi sáng như những bước tiến sự nghiệp của mình. Khá nhiều những biến cố đau lòng đã xảy ra, dù vậy đó có lẽ chỉ là các trở ngại tạm thời khiến cho bản lĩnh của Sheryl ngày một cứng cáp và sắt đá hơn để đương đầu với nhiều thử thách lớn lao mới.
Sheryl Sandberg sinh ngày 28/8/1969 tại Washington, là em út của một gia đình có 3 anh chị em. Năm Sheryl lên 2 tuổi, cả nhà chuyển tới Miami sống. Bố Sheryl là một bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa, còn mẹ là giảng viên tiếng Pháp tại một trường cao đẳng. Gia đình Sheryl từng giang tay giúp đỡ những người Do Thái Soviet, cho họ ăn ở cùng nhà để lánh nạn trong thời kỳ phân biệt và tẩy chay người Do Thái.
Gia đình nhà Sandberg.
Kể từ thời đi học, Sheryl luôn là một học sinh xuất sắc, được nhận chứng chỉ danh giá cho thành tích của mình. Vì vậy, không khó hiểu khi Sheryl được Harvard nhận vào như một lẽ tự nhiên. Đặc biệt, cả 3 anh chị em nhà Sandberg đều có sức học "khủng" như nhau và đều được nhận vào cùng trường Harvard. Sheryl chọn chuyên ngành kinh tế học, tốt nghiệp vào năm 1991.
Tại Harvard, Sheryl đã có cơ hội được làm việc với Larry Summers - thầy giáo cố vấn luận văn và cũng là người có công rất lớn trong việc định hướng sự nghiệp đầu đời cho Sheryl. Sau này, thầy Summers đã đưa Sheryl tới làm việc ở World Bank ngay sau khi cô tốt nghiệp và chứng tỏ được năng lực xứng đáng của mình.
Sau 1 năm làm việc tại World Bank, Sheryl tạm dừng để tới Ấn Độ và tham gia hoạt động cứu chữa đẩy lùi bệnh hủi (bệnh phong) đang có dịch nơi đây. Hoàn thành công việc đáng quý, cô lại trở về Harvard để học bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) và chuyển sang làm việc trong năm tiếp theo tại hãng cố vấn McKinsey.
Sheryl tiết lộ bố mẹ mình từng khá chủ động trong việc đề nghị cô kiếm một nửa của đời ngay từ khi còn đang học đại học, bởi theo họ đó là khoản thời gian phù hợp nhất. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra êm thấm theo ý muốn bởi năm 24 tuổi, Sheryl kết hôn với một doanh nhân có tên Brian Kraff và ly hôn chỉ sau 1 năm chung sống. Sheryl đã cảm thấy bị ảnh hưởng khá nhiều sau vụ việc đó, lo lắng mình sẽ không bao giờ muốn gặp gỡ và kết thân với ai khác.
Trở lại quá trình sự nghiệp, không lâu sau khi có bằng MBA, thầy cố vấn Summers trước kia đã được mời làm việc trong đoàn quản lý của Bill Clinton và tiếp tục giới thiệu Sheryl tới làm việc cùng mình. Bất ngờ thay, Larry Summers đã dần trở thành Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ và đưa Sheryl lên làm trưởng phòng nhân sự cho mình vào năm 1999.
Đảng Dân chủ dần mất quyền điều hành vào năm 2000 khiến Sheryl đổi dự định, chuyển tới Thung lũng Silicon để làm việc trong môi trường các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Thời điểm đó, Google vẫn còn là một thương hiệu nhỏ chỉ có 300 người và còn chưa làm ra lợi nhuận gì đáng kể. Dẫu vậy, Sheryl lại rất hứng thú với lĩnh vực cũng như tầm nhìn tiềm năng trong tương lai của họ và quyết định ứng cử để làm việc trong Google.
CEO Google lúc bấy giờ - Eric Schmidt - đã tỏ ra khá cứng rắn trong thời gian đầu Sheryl tới làm việc, liên tục nhắc nhở: "Đừng làm gì ngã ngựa nhé, công ty này là một con tàu tốc hành và nó thật sự cần tay lái vững chắc!" Sheryl đã tự tin trở thành giám đốc bộ phận sản phẩm kinh doanh của Google vào năm 2001, tự mình đảm nhận định hướng mọi việc ở khâu phát triển quảng cáo khi team có vỏn vẹn 4 người ít ỏi.
Năm 2004, Sheryl đi bước nữa với chính người bạn thân thời đi học của mình - Dave Goldberg - đã chơi với nhau từ 10 năm trước và hẹn hò dần trong 5 năm gần nhất. Năm 2005-2007, họ lần lượt hạ sinh một bé trai và bé gái đủ nếp đủ tẻ. Sau đó, Goldberg cũng trở thành CEO của SurveyMonkey vào năm 2009, sự nghiệp xán lạn. Cả gia đình sống trong một căn biệt thự rộng tận hơn 800m2 ở Menlo Park (California) với 6 phòng ngủ, có phòng gym, hầm rượu và phòng chiếu phim riêng, sân bóng rổ và cả một thác nước nhỏ. Tính từ trụ sở Facebook gần đó, quãng đường tới nhà chỉ mất 20 phút đi xe.
Trong thời gian Sheryl còn làm việc ở Google, thương hiệu này nhanh chóng chiếm được nhiều thành công rực rỡ. Sheryl đã góp công lớn trong việc kết nối hợp tác với AOL để làm nên công cụ tìm kiếm Google, nhờ đó được ứng cử thăng chức làm phó chủ tịch điều hành và kinh doanh online của công ty.
Thấm thoắt đã 7 năm vững bước cùng Google, Sheryl lại tiếp tục cảm thấy muốn thử sức với những bước tiến mới. Ban đầu, CEO Google muốn để cô làm Giám đốc Tài chính, nhưng Sheryl không muốn chỉ dừng lại ở đó - cô muốn làm được nhiều hơn thế, ở tầm Giám đốc Điều hành Thứ cấp (COO - xếp sau CEO). Tuy nhiên, tình thế Google lúc đó chưa cho phép chuyện này xảy ra vì không muốn nội bộ tối cao có sự thay đổi nhạy cảm.
Dẫu vậy, vẫn còn một người nữa khi đó săn tìm Sheryl, chính là Mark Zuckerberg. Facebook lúc này cũng đang ở giai đoạn mới nổi chập chững, nhưng lại nhận được cái gật đầu đồng ý từ Sheryl sau một quá trình tìm hiểu. Mark Zuckerberg đã thường xuyên ăn tối cùng Sheryl khoảng 1-2 lần/tuần, thậm chí được cô mời về nhà riêng dùng bữa cùng gia đình. Sau 6 tuần bàn bạc và gặp mặt như vậy, Mark Zuckerberg quyết định đề nghị chức vụ COO cho Sheryl, đúng như những gì cô ấy từng muốn ở Google.
"Shery là người đảm nhận hộ tôi những việc mà tôi không muốn giải quyết. Thông thường, tuỳ khả năng mà một người có thể làm công việc quản lý giỏi, hoặc thích tập trung làm chiến lược, phân tích chuyên sâu. Nhưng Sheryl, cô ấy có cả 2 và đó là một điều rất hiếm hoi trên đời," trích lời Mark Zuckerberg.
Sheryl là người ủng hộ tư tưởng nữ quyền rất cao, từng sáng lập ra nhiều sự kiện và phong trào thúc đẩy vị trí của phụ nữ trong môi trường công sở. Năm 2013, Sheryl ra mắt cuốn sách "Lean In" do chính mình viết, trở thành đầu sách bán chạy nhất thế giới với nội dung đề cao vai trò của người phụ nữ khi làm lãnh đạo.
Thế nhưng, bi kịch xảy ra vào năm 2015 khi chồng Sheryl mất đột ngột trong một chuyến du lịch cùng gia đình. Nguyên nhân tử vong ban đầu được cho là do tổn thương vùng đầu sau khi va chạm vì bị ngã lúc tập chạy. Tuy nhiên, Sheryl sau này mới tiết lộ thực ra anh đã bị mắc chứng loạn nhịp tim và từ đó dẫn đến cái chết.
Về phần Facebook, Sheryl là người đầu tiên dám ra mặt và công khai thực hiện các hành động tham gia vào vấn đề chính trị. Năm 2016, Facebook đã làm rõ vấn đề về các hành động của Nga tạo quảng cáo nhằm vào nền tảng này để tung tin sai sự thật, thao túng dư luận khi thời điểm còn phức tạp. New York Times cũng nhận định Sheryl là người cố gắng rất nhiều để dập tắt những động thái xấu từ nước ngoài, giúp cộng đồng an toàn và trong sạch hơn.
Bóng tối vẫn chưa kịp qua đi khi tháng 3/2018, scandal lớn nhất lịch sử Facebook nổ ra vì sự vụ liên quan tới Cambridge Analytica. Có tới gần 90 triệu người dùng đã bị ảnh hưởng, một con số quá lớn để Facebook chuẩn bị trước phải đối mặt với búa rìu dư luận, nhất là khi họ thừa nhận mình có biết trước một phần nguyên nhân nhưng không sốt sắng giải quyết.
Khi đó, vài nguồn tin cho rằng Sheryl bị quy trách nhiệm vì không làm tròn công việc của mình, đã có lúc tưởng như không giữ được ghế của mình tại Facebook. Dù vậy, mặc cho người đời bàn tán, cô vẫn không ngừng cố gắng và tiếp tục trụ vững tại con thuyền này, vực dậy toàn bộ công ty cùng ban lãnh đạo để đưa mọi thứ trở lại guồng quay ổn định như hiện tại.