Theo Daily Mail, hiện tượng nói trên xảy ra vào ngày 8-3-1582, lúc đó khoa học chưa phát triển đến mức để nhận biết đó là bão Mặt Trời. Lúc đó, bầu trời đã bốc cháy ngay trước mắt mọi người: những ngọn lửa đỏ rực có thể nhìn thấy bằng mắt thường và kéo dài tận 3 ngày.
Một tài liệu mới được phục hồi với người viết là Pero Ruiz Soares đã mô tả: "Tất cả các phần đó của bầu trời dường như bùng cháy. Không ai nhớ mình đã từng nhìn thấy những gì tương tự như thế. Vào lúc nửa đêm, những tia lửa lớn phát ra phía trên lâu đài, gây kinh hoàng và sợ hãi. Ngày hôm sau, nó cũng xảy ra vào cùng một giờ nhưng không quá lớn và kinh hoàng. Mọi người đã đến vùng thôn dã đế xem điều tuyệt vời này".
Theo Universe Today, vào năm 1909, một cơn bão Mặt Trời với mức độ gần như thế cũng được ghi nhận, gây nhiễu loạn địa từ dữ dội, nhiễu diện rộng hệ thống điện báo và mang lại cực quang ngoạn mục trên bầu trời đêm. 89 năm sau đó, một cơn bão Mặt Trời nhỏ hơn đã đánh sập lưới điện của Quebec.
Kết quả nghiên cứu từ Đại học Cornell (Mỹ) thông qua các phương tiện giúp dự báo bão Mặt Trời, dự báo rằng một cơn bão tương tự có thể xảy ra 1 hoặc 2 lần trong thế kỷ 21 này. Với thế giới thời hiện đại, nó có thể trở thành một đại thảm họa, phá hủy lưới điện trên toàn thế giới.
Chưa kể, hệ thống định vị, viễn thông... sẽ là những cấu trúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn năng lượng khổng lồ từ bão mặt trời.
Hiện tượng thời tiết không gian cực đoan này xảy ra khi Mặt Trời bắn ra tia plasma sôi sục dưới dạng các tia sáng và gió Mặt Trời.
Bài nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arxiv.org nhấn mạnh họ sẽ sử dụng các dữ liệu về các cơn bão mặt trời cũ để hoàn thiện hệ thống dự báo, giúp biết chính xác hơn thời điểm xảy ra bão mặt trời.
Một mối nguy hiểm nữa cần tính đến là ngày càng có nhiều cuộc du hành vũ trụ. Những cuộc du hành có con người như sứ mệnh mặt trăng mà NASA dự kiến năm 2024 sẽ thành thảm họa nếu bão Mặt Trời vô tình ập đến.