Bằng chứng rõ ràng về hoạt động địa chất trong hệ Mặt Trời chỉ mới được phát hiện ở 2 thiên thể là Trái Đất và mặt trăng Io của Sao Mộc. Yếu tố này, ở tầm vóc lớn như sự di chuyển của đất đai (kiến tạo mảng) hay nhỏ hơn như núi lửa hay động đất được cho là một trong những yếu tố góp phần giúp hành tinh đó sống được, giúp ổn định và cân bằng khí hậu, kích thích những phản ứng tạo ra sự sống, kích thích sự tiến hóa của sinh vật.
Phát hiện mới của NASA cho thấy khắp một vùng phía Bắc hành tinh, gọi là Arabia Terra, sở hữu những lớp trầm tích 4 tỉ năm tuổi có thành phần khoáng chất phù hợp với... tro núi lửa. Tức Sao Hỏa cổ đại từng có hoạt động núi lửa giống như Trái Đất.
Theo Sci-News, NASA ước tính có tận 1.000-2.000 vụ phun trào riêng lẻ trong vòng 500 triệu năm trong lịch sử Sao Hỏa cổ đại.
Tiến sĩ Patrick Whelley từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA và các cộng sự cho biết: "Một số miệng núi lửa lớn và sâu ở phía Tây Arabia Terra được cho là những núi lửa bùng nổ, một loại núi lửa có thể tạo ra siêu phun trào".
Điều kiện tự nhiên tại khu vực cũng giúp các lớp tro núi lửa không bị gió và nước làm xáo trộn, mà xếp ngay ngắn thành từng lớp giống như mới phun trào hôm qua.
Để tạo ra núi lửa siêu phun trào, hành tinh đó cần có một nguồn năng lượng nội tại đủ lớn để làm tan chảy đá sâu. Điều đó cho thấy Sao Hỏa có lẽ không "chết" như chúng ta tưởng, hoặc ít ra từng là một hành tinh sống động hơn ngày nay.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters.