Hóa ra điện thoại cũng có "ngày hết hạn sử dụng" như đồ ăn nhưng bị giấu rất kỹ: Chỉ xem được bằng cách này!

Nhiều người dùng một chiếc điện thoại đến 7 năm vì thấy nó hoạt động tốt. Nhưng ít ai biết rằng điện thoại cũng có hạn sử dụng như bất cứ thứ gì trên đời.

Dùng điện thoại 7 năm có an toàn?

Những chiếc điện thoại ngày nay bền hơn trước rất nhiều. Nhiều người đã sử dụng một chiếc điện thoại đến 7 năm, thậm chí là 10 năm mà không gặp vấn đề gì. Nhưng đôi khi họ băn khoăn tự hỏi thiết bị điện tử dùng quá lâu như vậy liệu có an toàn.

Phải chăng một chiếc điện thoại dù vẫn còn hoạt động tốt nhưng nếu đã sử dụng trên 5 năm, có lẽ nên mua một thiết bị khác?

Không phải ai cũng có thể trả số tiền lên đến 30 triệu đồng cho một chiếc iPhone 15 Pro Max mới. Vì vậy, việc tiếp tục dùng điện thoại cũ là lý do ai cũng có thể hiểu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điện thoại di động có hạn sử dụng khá dài. Bạn vẫn có thể sử dụng chiếc điện thoại già cỗi của mình nhưng cần lưu ý một số vấn đề sau.

Theo Washington Post, các chuyên gia bảo mật kỹ thuật số nói rằng điện thoại Android có thể sử dụng an toàn trong 4 năm trở lên kể từ khi mua mới. Một chiếc iPhone có thể sử dụng trong 7, 8 năm hoặc có thể lâu hơn.

Thời gian này dựa trên chính sách cập nhật bảo mật mà hai hệ sinh thái nói trên đưa ra. Chưa tính đến việc điện thoại càng cũ thì càng gặp nhiều sự cố, điều quan trọng là người dùng phải có các bản cập nhật bảo mật để ngăn chặn rủi ro từ tin tặc.

Hóa ra điện thoại cũng có ngày hết hạn sử dụng như đồ ăn nhưng bị giấu rất kỹ: Chỉ xem được bằng cách này! - Ảnh 1.

Nói chung, việc tiếp tục sử dụng điện thoại là khá an toàn miễn là nó nhận được các bản cập nhật bảo mật phần mềm thường xuyên từ nhà sản xuất.

Ví dụ, Apple vẫn đang cập nhật tính năng bảo mật của phần mềm cho những chiếc iPhone đã có tuổi đời lên tới 8 năm.

Giả sử bạn có một chiếc iPhone X đã 6 năm tuổi. Bạn không thể cập nhật lên hệ điều hành iPhone mới nhất là iOS 17. Nhưng Apple vẫn tiếp tục thực hiện các bản sửa lỗi bảo mật và phần mềm quan trọng khác cho iOS 16, thậm chí là iOS 15.

Hầu hết các chuyên gia cho biết những cập nhật bảo mật đó giúp chiếc iPhone già cỗi của bạn an toàn khi sử dụng, trừ khi bạn biết rằng mình là mục tiêu có giá trị cao của tin tặc.

Mặc dù vậy, Tarah Wheeler , CEO của công ty bảo mật thông tin Red Queen Dynamics vẫn khuyên người dùng nếu có điều kiện hãy cân nhắc về tính bảo mật của các thiết bị mới, thứ được coi là đáng giá hơn rất nhiều so với việc giữ điện thoại cũ trong nhiều năm.

Nếu sử dụng điện thoại Android, việc xác định xem điện thoại cũ có đủ an toàn để tiếp tục sử dụng hay không sẽ phức tạp hơn.

Samsung cho biết họ sẽ tiếp tục sửa các lỗi bảo mật trong tối đa 5 năm cho các điện thoại thông minh của hãng. Nhưng người dùng nên truy cập vào trang web cập nhật bảo mật của hãng để xem xét kỹ hơn.

Nếu bạn thấy điện thoại Samsung của mình nằm trong danh sách cập nhật bảo mật hai lần một năm, đó là dấu hiệu cho thấy Samsung đang không còn quan tâm đến thiết bị và nó đang trên đà trở nên kém an toàn hơn. Một ví dụ tiêu biểu là mẫu Galaxy A20s từ năm 2019.

Nếu điện thoại Samsung của bạn hoàn toàn không có trong danh sách thì rõ ràng việc sử dụng tiếp là không an toàn.

Người dùng có thể vào trang End of Life để xem Apple, Samsung và các công ty khác có còn đang sửa các lỗi bảo mật cho một sản phẩm cụ thể hay không.

Hóa ra điện thoại cũng có ngày hết hạn sử dụng như đồ ăn nhưng bị giấu rất kỹ: Chỉ xem được bằng cách này! - Ảnh 2.

Hạn sử dụng của điện thoại

Paul Roberts, người sáng lập Secure Repairs, tổ chức gồm các nhà công nghệ ủng hộ kéo dài tuổi thọ của thiết bị, cho biết: Một khi công ty ngừng cập nhật bảo mật phần mềm, điện thoại của bạn sẽ dễ bị tin tặc tấn công hơn.

Đây cũng chính là "ngày hết hạn sử dụng" tích hợp sẵn cho điện thoại của bạn. Chuyên gia Roberts cũng đưa ra quan điểm muốn nhà sản xuất ghi rõ ngày đó trên hộp khi bạn mua điện thoại.

Ví dụ: Nếu bạn mua iPhone 15, Apple nên công khai việc họ cam kết sửa mọi lỗ hổng bảo mật phần mềm cho đến năm 2030 hoặc thời gian nào đó cụ thể.

Roberts cũng cho rằng một khi Apple, Samsung hay các nhà sản xuất điện thoại khác không còn mặn mà với việc cập nhật tính năng bảo mật cho điện thoại cũ, họ nên để người khác đảm nhận.

Ông cho biết có rất nhiều chuyên gia có trình độ hoặc những người có sở thích sẵn lòng cập nhật phần mềm và bảo mật cho những chiếc điện thoại đời cũ.

Đây cũng chính là cách thức bảo dưỡng mà chúng ta thấy trên ô tô. Khi xe của bạn hết hạn bảo hành, có thể đại lý không còn chịu trách nhiệm sửa chữa nữa. Nhưng bạn có thể mang nó đến một cửa hàng sửa chữa độc lập bất cứ lúc nào tùy thích.

Không phải ai cũng muốn dùng điện thoại cũ trong nhiều năm. Nhưng Roberts nói rằng đó là sự lựa chọn của mỗi người.

"Bạn có thể tiếp tục sử dụng máy miễn khi nào nó còn hoạt động tốt. Trong một thế giới mà chúng ta đang cố gắng tận dụng tối đa tuổi thọ của những thiết bị cực kỳ tốn nhiều tài nguyên này…7, 8 hoặc 10 năm không phải là dài lắm", ông cho biết.

Ngay cả sau khi điện thoại ngừng nhận các bản cập nhật bảo mật từ nhà sản xuất, nó vẫn đủ an toàn nếu bạn chỉ sử dụng điện thoại để nghe nhạc, lướt Instagram hoặc mua sắm trực tuyến.

Nhược điểm là nếu điện thoại quá cũ, nó sẽ cần được chăm sóc nhiều hơn. Pin hết, hỏng linh kiện và ứng dụng có thể không cập nhật.

Thay thế các bộ phận thường là một lựa chọn tốt, giá cả phải chăng. Nhưng khi mọi thứ đã quá rệu rã, bạn sẽ cần một chiếc điện thoại khác.