Ngô Đình Gia Bảo, một học sinh lớp 11 của Trường Phổ thông Năng Khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa đạt giải vô địch tại cuộc thi lập trình robot diễn ra tại Singapore. Cuộc thi được tổ chức bởi đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và GaraSTEM.
Ở cuộc thi này, các thí sinh đã được học về lập trình robot dưới sự hướng dẫn của giáo sư Xie Ming (Trường Đại học Nanyang, trưởng khoa Robotics tại NTU), để vượt qua các thử thách từ đơn giản tới phức tạp. Cuộc thi thu hút nhiều học sinh trung học, trung học phổ thông tại Singapore và Việt Nam cùng tham gia tranh tài.
'Từ lâu em đã hứng thú với môn lập trình và tìm nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi để trải nghiệm. Tương lai em muốn học ngành Khoa học Máy tính nên cuộc thi này hoàn toàn phù hợp với em", Gia Bảo chia sẻ sau khi vô địch giải đấu.
Hơn nữa, theo Bảo, kiến thức lập trình trên sách giáo khoa rất khác khi áp dụng vào thực tế. "Em phải chú ý và tính toán kỹ đến các yếu tố môi trường, ví dụ như lực ma sát, và phải tối ưu, điều chỉnh để robot được hoạt động. Thông qua đó, em học được kỹ năng phân tích giải pháp, giải quyết vấn đề và lập luận logic. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều bạn bè quốc tế nên em có dịp kết bạn, học hỏi, chia sẻ sở thích và giao lưu văn hóa", Bảo nói.
Robot phải trải qua các thử thách trong mô hình sân đấu.
Là phụ huynh dẫn con tham gia cuộc thi này, chị Phạm Thị Oanh (TP.HCM) cũng đã chia sẻ về ý nghĩa của việc học lập trình với con. Theo chị, từ sự khích lệ của thầy cô cũng như đam mê của con, chị quyết định đồng hành với con đến Singapore tham gia cuộc thi. Học về lập trình đã giúp Bảo phát triển trí tuệ, sự khéo léo, óc suy luận, rèn luyện tính kiên nhẫn, và biết cẩn thận bảo quản từng chi tiết của linh kiện robot.
Học lập trình robot là một trong những phương pháp của mô hình giáo dục STEM, là sự tích hợp các yếu tố khoa học (S), Công nghệ (T), kỹ thuật (E) và toán học (M) vào giáo dục và đào tạo. Đây được xem là chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các cường quốc như Mỹ, Nhật. Không nằm ngoài xu thế đó, Bộ Giáo Dục và Đào tạo cũng đã tích hợp mô hình STEM vào chương trình giảng dạy cho học sinh THCS và THPT.
Có thể thấy, sức hút của mô hình giáo dục STEM không chỉ ở trải nghiệm thực tế với kiến thức khoa học - kỹ thuật, mà còn bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất của một công dân toàn cầu như khả năng giải quyết vấn đề, hòa nhập quốc tế, và tính đổi mới sáng tạo. Đây là những kỹ năng mềm cần thiết để các em từng bước trở thành nhân lực chất lượng cao cho quốc gia và khu vực.
Theo báo cáo thị trường IT Việt Nam - Tech Hiring 2022, mức lương lập trình viên dao động từ 8 triệu đồng (mới ra trường) đến hơn 30 triệu đồng cho các vị trí có nhiều kinh nghiệm, các vị trí quản lý từ 5 năm trở lên được khảo sát có mức lương từ 35 đến hơn 50 triệu đồng.
Trong đó, các cấp được trả lương cao nhất yêu cầu các kỹ năng như Phân tích dữ liệu (Data Analyst), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Phát triển vận hành (DevOps), Trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy được săn đón với mức lương hấp dẫn, nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành.
Tại Việt Nam, sự lan rộng của định hướng giáo dục STEM xuất phát từ các cuộc thi quốc tế về chế tạo robot của các công ty công nghệ. Sau đó, nhiều trường quốc tế và tư thục bắt đầu đưa cách tiếp cận STEM vào chương trình giảng dạy ở các bậc học đầu tiên. Từ năm học 2021 - 2022, học sinh khối 6 được học theo chương trình sách giáo khoa mới có tích hợp STEM. Năm học 2022 - 2023, mô hình STEM cũng đã được đưa vào học tập cho học sinh khối 10.
Các hoạt động giáo dục STEM hiện nay gồm có ngày hội STEM (từ cấp trường đến cấp quốc gia), câu lạc bộ STEM, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi lập trình robot. Điều này chứng tỏ mô hình giáo dục tiên tiến này đang ngày càng được phụ huynh và học sinh quan tâm, kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tháng 9 vừa qua, nhằm nâng cao năng lực STEM cho giáo viên và học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với tổ chức STEM toàn cầu với mục tiêu thúc đẩy giáo dục STEM một cách đầy đủ, đúng hướng, phát huy tốt nhất ứng dụng trong đổi mới giáo dục tại Việt Nam.