Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 22.000 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng gửi về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam. Không chỉ gia tăng về số lượng, các phương thức lừa đảo trên không gian mạng đang ngày phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, nhắm đến các nhóm đối tượng khác nhau.
Ngay sau khi Cục An toàn thông tin phát hành báo cáo nói trên, TikTok và Facebook đã cùng công bố các kế hoạch chống lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam.
TikTok với chiến dịch #LuaDaoTrucTuyen
Trong đó, TikTok phối hợp với Cục An toàn thông tin và Câu lạc bộ Influencer Việt Nam (Hội Truyền thông số Việt Nam) tái khởi động chiến dịch #LuaDaoTrucTuyen trên nền tảng TikTok, nhằm tăng cường nhận thức và trang bị kiến thức cho người dùng TikTok về phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.
#LuaDaoTrucTuyen hưởng ứng chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động vào tháng 8 vừa qua, khẳng định nỗ lực của TikTok nhằm giúp người dùng chủ động phòng tránh và ứng phó với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, chung tay thúc đẩy môi trường số lành mạnh và tích cực tại Việt Nam.
Qua chiến dịch #LuaDaoTrucTuyen, TikTok kêu gọi người dùng tham gia sáng tạo các nội dung tuyên truyền nhằm đẩy lùi các vấn nạn lừa đảo trong thời đại số hóa. Diễn ra từ nay đến hết ngày 22/11/2024, chiến dịch khuyến khích người dùng đăng tải video kèm hashtag #luadaotructuyen #Congkgmqg #VaccineSo theo hai chủ đề chính: Tình huống về các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến và Kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Meta thử nghiệm tính năng nhận dạng khuôn mặt
Về phía Meta (đơn vị chủ quản Facebook, Instagram,...) cho biết, an toàn trên không gian mạng là một vấn đề quan trọng, bao gồm việc kiểm soát tài khoản mạng xã hội và bảo vệ bản thân trước các hình thức lừa đảo. Vì vậy, Meta đang thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt để bảo vệ người dùng trước các quảng cáo giả mạo người nổi tiếng và giúp khôi phục tài khoản nhanh hơn.
"Những kẻ lừa đảo thường sử dụng hình ảnh của các nhân vật công chúng, như nhà sáng tạo nội dung hoặc người nổi tiếng, để thu hút sự chú ý cho các quảng cáo dẫn đến trang web lừa đảo. Người dùng sẽ bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc gửi tiền. Hình thức này thường được gọi là “giả mạo người nổi tiếng” (celeb-bait) và vi phạm chính sách của Meta, cũng như gây hại cho người dùng các sản phẩm của Meta", Meta khẳng định.
Chỉ cách nhận diện lừa đảo, Meta nêu rõ: Quảng cáo giả mạo thường được thiết kế để trông giống như quảng cáo hợp pháp có sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng, vậy nên chúng không dễ bị phát hiện. Hệ thống kiểm duyệt quảng cáo của Meta chủ yếu dựa trên công nghệ tự động để xem xét hàng triệu quảng cáo hàng ngày. Meta sử dụng các mô hình học máy để phân tích các yếu tố như văn bản, hình ảnh hoặc video trong quảng cáo nhằm phát hiện vi phạm chính sách, bao gồm lừa đảo.
Hiện nay, Meta đang thử nghiệm phương pháp phát hiện các quảng cáo giả mạo bằng nhận diện khuôn mặt. Nếu hệ thống nghi ngờ quảng cáo có sử dụng hình ảnh của nhân vật công chúng, Meta sẽ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để so sánh khuôn mặt trong quảng cáo với ảnh đại diện trên Facebook và Instagram của người đó. Nếu xác nhận đúng và phát hiện quảng cáo là lừa đảo, hệ thống của Meta sẽ chặn quảng cáo đó.
"Meta đã thử nghiệm ban đầu với một nhóm nhỏ người nổi tiếng và đã ghi nhận kết quả đầy hứa hẹn, cải thiện tốc độ và hiệu quả trong quá trình phát hiện và ngăn chặn hình thức lừa đảo này. Trong vài tuần tới, Meta sẽ bắt đầu gửi thông báo trên ứng dụng cho những nhân vật của công chúng bị ảnh hưởng bởi hành vi giả mạo, để cho họ biết rằng tài khoản của họ đang nằm trong chương trình bảo vệ của Meta. Những nhân vật của công chúng đang tham gia có thể chọn rời khỏi chương trình bất kỳ lúc nào thông qua Trung tâm Tài khoản", Meta cho hay.
Ngoài ra, Meta cũng thử nghiệm phương pháp xác minh danh tính qua video selfie (tự quay) để giúp người dùng khôi phục tài khoản bị xâm phạm. Người dùng sẽ cung cấp video selfie để hệ thống sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của Meta so sánh với hình ảnh đại diện trên tài khoản họ đang cố gắng truy cập. Phương pháp này tương tự như các công cụ xác minh danh tính mà người dùng có thể đang sử dụng để mở khóa thiết bị điện thoại hoặc truy cập các ứng dụng khác.