Câu nói của người xưa rằng “Nếu bạn chỉ một ngón tay vào ai đó thì có ba ngón tay chỉ về phía bạn” rất giống với những gì đang xảy ra trong hoạt động do thám của chính phủ Mỹ như bài báo từ tờ Washington Post. Theo báo cáo, CIA và BND (Cơ quan tình báo Đức) bí mật sở hữu và kiểm soát công ty mã hóa Crypto AG. Các chủ sở hữu thực sự của Crypto đã cài đặt lỗ hổng cửa hậu trong các sản phẩm của mình, cho phép Mỹ và Đức nghe lén thông tin liên lạc từ kẻ thù và đồng minh - những quốc gia lầm tưởng rằng các dữ liệu họ gửi đi đã mã hóa thành công. Điều này đang đề cập đến các thông tin tuyệt mật giữa các quan chức chính phủ, gián điệp, nhà ngoại giao và các chuyên gia quân sự hàng đầu.
Quay trở lại những năm thập niên 70 hoặc 80 của thế kỷ trước, đã có những báo cáo cho rằng Crypto là một cánh tay của CIA. Ở thời điểm đó, cơ quan tình báo của Mỹ đã phủ nhận điều này và cho rằng đó là những tố cáo vô lý. Nhưng dựa trên báo cáo của Washington Post, thông tin này rất chính xác. Theo tiết lộ, khoảng 40% trong tổng số nội dung bí mật được các cơ quan chính phủ trên thế giới truyền qua Crypto đã bị Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) phân tích. Nghiêm trọng hơn, có đến hơn 120 chính phủ trên toàn thế giới sử dụng sản phẩm của Crypto đều bị ảnh hưởng. Danh sách này không có Liên Xô cũ và Trung Quốc, nhưng lại bao gồm những cái tên như Iran, Libya, Argentina và Ai Cập.
Vào năm 1993, BND được cho là đã rút khỏi hoạt động theo dõi qua Crypto, nhưng 25 năm sau đó, CIA vẫn tiếp tục hoạt động. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với mặt trận tình báo của Mỹ trong quá khứ lẫn hiện tại?
Trong cuốn sách “CIA và cuộc chiến tranh lạnh về văn hóa” năm 1999, tác giả Frances Stonor Saunders đã trình bày chi tiết về cách CIA tài trợ cho một loạt các ấn phẩm và doanh nghiệp nghệ thuật thường thông qua cái gọi là “Đại hội vì tự do văn hóa”. Về cơ bản, các tạp chí văn học; nghệ sĩ đương đại; nhà văn, nhà thơ và nhà triết học đều nhận nguồn tài trợ từ CIA. Thậm chí, những nhà báo đóng góp lớn đã được tuyển dụng vào làm việc cho cơ quan này, với khoảng 400 nhà báo làm việc cho CIA trong thời Chiến tranh Lạnh cũ.
Carl Bernstein, một nhà báo người Mỹ, viết: “Trong nhiều trường hợp, các tài liệu của CIA cho thấy các nhà báo đã gia nhập để thực hiện các nhiệm vụ cho CIA với sự đồng ý của ban quản lý và các tổ chức tin tức hàng đầu của Mỹ”.
Hồ sơ của CIA cũng cho thấy, vào năm 1991, họ có mối quan hệ với các hãng thông tấn, báo, tin tức hàng tuần và mạng truyền hình lớn ở nhiều quốc gia. Với việc CIA đứng sau Crypto, đây có thể là một thông tin không quá bất ngờ nếu nhìn vào cách hoạt động của tổ chức này.
Một điều đáng chú ý, trong khi CIA đứng đằng sau Crypto để do thám chính phủ của các quốc gia đồng minh thì chính phủ Mỹ lại ngăn nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Nga phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông với cáo buộc hoạt động do thám mà không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh. Dựa trên những lập luận, chính phủ Mỹ đã cấm phần mềm của hãng virus Kaspersky (Nga) chạy trên mạng của họ. Nhưng nặng nề nhất là Huawei khi mà công ty này không chỉ không có đất kinh doanh tại Mỹ mà các quốc gia đồng minh của Mỹ bị chính phủ Mỹ cảnh báo nếu cho phép Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G cho quốc gia đó.
Cách đây không lâu, Mỹ cũng đưa ra cáo buộc cho rằng Huawei đã cài phần mềm “cửa hậu” trên điện thoại của mình để cho phép nhân viên công ty thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài và gửi về cho chính phủ Trung Quốc trong suốt hơn một thập kỷ qua. Vấn đề là, Mỹ vẫn không có bất cứ bằng chứng nào công khai để chứng minh cáo buộc của mình.
Với một quốc gia đã sử dụng “cửa hậu” để do thám hơn một trăm quốc gia khác nhau, bao gồm cả đồng minh của họ, trong hàng chục năm qua thì việc đưa ra cáo buộc cho một công ty khác thực hiện hành vi do thám mà không thể chứng minh được điều đó là lý do khiến nhiều quốc gia chưa thực sự đồng thuận.