Thách thức pháp lý xảy ra khi nhà sản xuất Trung Quốc cố gắng gỡ bỏ ít nhất một số hạn chế mà cựu tổng thống Donald Trump đã áp dụng đối với công ty trong thời gian ông tại vị. Trong đơn kiện được đệ trình, công ty cáo buộc FCC đã vượt quá thẩm quyền của mình khi đưa ra quyết định, cho rằng đây là hành vi “tùy tiện, thất thường và lạm dụng quyền tự quyết mà không được hỗ trợ bởi bằng chứng đáng kể”.
Ngoài việc gán cho Huawei là một mối đe dọa an ninh quốc gia, lệnh này còn ngăn các nhà mạng của Mỹ sử dụng Quỹ Dịch vụ Chung của FCC để mua thiết bị mạng từ Huawei. Vào thời điểm đó, cựu Chủ tịch FCC Ajit Pei cho biết họ có “một lượng lớn bằng chứng” để đưa ra quyết định.
Trong 4 năm ông Trump cầm quyền, chính quyền của ông đã nhiều lần tuyên bố chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị mạng của Huawei để do thám Mỹ và các đồng minh, nhưng cuối cùng đưa ra rất ít bằng chứng để chứng minh. Vào năm ngoái, tờ The Washington Post công bố một báo cáo cho biết Huawei đã thử nghiệm (nhưng chưa bao giờ triển khai) một hệ thống nhận dạng khuôn mặt cho phép chính quyền Trung Quốc xác định các cá nhân người Duy Ngô Nhĩ thiểu số.
Chỉ vài giờ sau khi Huawei đệ đơn kiện, người sáng lập Nhậm Chính Phi nói với các nhà báo rằng ông rất hoan nghênh cơ hội nói chuyện điện thoại với tân Tổng thống Joe Biden. Ông nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng có thể mua được nhiều linh kiện, phụ tùng và máy móc của Mỹ để các công ty Mỹ cũng có thể phát triển cùng với nền kinh tế Trung Quốc.
Chính quyền ông Joe Biden không cho biết nhiều về kế hoạch của họ liên quan đến Huawei nhưng Bộ trưởng thương mại Gina Raimondo mới đây cho biết vào tháng trước rằng: “Chúng tôi không thể để người Trung Quốc hoặc bất kỳ ai thực sự có cửa hậu vào mạng của chúng tôi và làm tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc kinh tế của chúng tôi theo bất kỳ cách nào”. Nhưng khi được hỏi cụ thể về Huawei, cô ấy không nói liệu Bộ Thương mại có đưa công ty ra khỏi Danh sách đen hay không.
Được biết, kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ áp dụng với Huawei, công ty này đã bị ảnh hưởng nặng nề, và đỉnh điểm là họ buộc phải bán thương hiệu Honor vào tháng 11/2020 nhằm đảm bảo sự tồn tại của công ty.