Hướng dẫn cách test phím nhanh khi chọn mua bàn phím tại cửa hàng

Bước 1: Thử cảm giác gõ

Có rất nhiều bạn bối rối khi đến cửa hàng thử phím khi mua bàn phím. Dù đã lựa rất kĩ khi ở nhà, nhưng đến trải nghiệm thực thì lại rất băn khoăn khi không biết chọn "bé" nào rước về. Bài viết này sẽ chỉ ra một số cách test bàn phím nhanh giúp bạn chọn được chiếc bàn phím ưng ý nhất.

Đầu tiên là Test switch, switch dù cho là Cherry hay phần còn lại của thế giới non-Cherry thì cũng sẽ đều thuộc một trong 2 dạng Tacticle/ Clicky hoặc Linear. Còn nếu không phải cơ học thì có switch điện dung (Topre) hoặc switch quang học (Opto-switch). Dạng nào thì chung quy cũng là cốt lõi tạo ra cảm giác gõ khác nhau.

Đừng quá cứng nhắc khi test cảm giác gõ. Mấy cái như lực bấm/ tổng hành trình/ điểm nhận phím... này nọ cũng chỉ là tham khảo cho biết thôi. Còn lại vẫn phải tin vào cảm giác đôi tay mình. Tóm lại, bạn hãy thử và cảm nhận. 

Chỉ có đôi tay mới hiểu hết những gì bạn cần và hãy tin tưởng và cảm giác của mình. Lưu ý test cảm giác gõ thì đừng gõ một chữ như mổ cò mà hãy ngồi nghiêm túc như khi làm việc, đúng tư thế, gõ hẳn một đoạn văn bản khá dài hay một lời bài hát cũng được, rồi từ từ cảm nhận.

Hãy cho quá trình test này chừng 3 - 4 phút để thật sự hiểu rõ những gì đang cảm thấy từ đôi tay. Bước này rất quan trọng và dục tốc bất đạt. Cũng nên hỏi mượn 2 - 3 loại switch khác nhau để tiện so sánh và đánh giá trải nghiệm của bản thân. Cảm nhận độ nảy của phím, độ phản hồi, độ khấc giữa hành trình phím. Với switch Blue hay Brown thì nên nghe thử luôn âm thanh của nó.

Đi kèm vời việc test switch và cảm giác gõ là test âm thanh. Tốt nhất nên thử bàn phím cơ trong một không gian khá yên tĩnh, giống như chỗ làm hoặc bàn làm việc tại nhà. Đừng thử phím chỗ quá ồn vì không tiếng ồn mới cảm nhận được trọn vẹn chất âm và độ lớn phát ra khi gõ phím và cũng là để tránh tình trạng thử ở shop nghe khác, về nhà nghe khác rồi có khi ồn quá không dùng được lại đâm ra hối hận, thấy bất tiện.

Cảm giác gõ còn được tạo ra một phần bởi chất liệu và độ dày keycap. Không nên quá đặt nặng là phím làm từ ABS hay PBT, vì thật ra mỗi cái đều có cái hay và lợi thế riêng của nó. Quan trọng là xem xét hình dạng phím có thật sự thanh lịch không, có ôm tay khi gõ không, có bị trượt phím hay gặp vấn đề với mồ hôi tay không và độ dày có giúp tạo nên một âm thanh phù hợp khi thao tác gõ không.

Và lời nhắn cuối cùng là hãy tin vào cảm nhận của đôi tay mình, còn lý trí và trái tim chỉ để tham khảo thêm thôi!

Bước 2: Test profile keycap

Kinh nghiệm xài phím cơ cũng như cảm giác gõ là để kiểm tra profile keycap có thật sự hợp với mình hay không chỉ có cách trải và gõ thử. Trong lúc kiểm tra swtich, hãy thử nhắm mắt, lắng nghe cảm giác thật của mình. Và xem kỹ trong quá trình gõ thử một đoạn văn ở trên, tay mình có bị lúng túng, có quá lạ lẫm hoặc bị dính phím, trượt tay khi gõ hay không. Vì tất cả những vấn đề đó đa phần đều là do profile keycap không hợp.

Một số bạn thích dùng keycap SA dạng cao, nhưng dạng này thật tình sẽ dễ mỏi tay nếu dùng lâu, chụp hình thì thích nhưng lời khuyên là nên có một chiếc kiểu SA.

Những ai mới bắt đầu chơi nên dùng OEM, profile này là phổ biến nhất, tuy trông có hơi chán và đại trà nhưng rất dễ làm quen, độ chính xác cao và quan trọng là hạn chế được mấy cái vấn đề nêu trên. Như chiếc Filco Majestouch thì khó có thể gõ sai. Còn ai mới chuyển từ laptop qua mà không muốn bỡ ngỡ thì nên chọn low profile.

Mỗi người sẽ hợp với một profile keycap riêng, hãy thử xem bạn hợp với loại nào nhất bằng cách mượn thử 1 - 2 bàn phím có profile khác nhau, gõ thử và nhắm mắt cảm nhận. Cái nào cho cảm giác đằm tay, thoải mái hơn thì sẽ hợp hơn.

Kiểm tra form dáng và độ chắc chắn bằng cách đặt thử trên bàn, bấm mạnh hơn và liên tục để xem có xê dịch khi gõ nhiều không, cầm thử trên tay cảm nhận độ chắc nịch của bàn phím, cắp trên tay đi qua đi lại thử xem có tiện dụng đủ nhẹ nhàng không...

Bước 3: Test độ chắc chắn và tính tiện lợi của bàn phím cơ

Sản phẩm tốt thì luôn chắc nịch dù chỉ cầm trên tay hay đặt lên bàn hoặc là đang dùng profile dạng nào. Bạn cần test thử độ chắc chắn của sản phẩm bằng cách ngồi ngay ngắn như khi làm việc, đặt bàn phím lên bàn, gõ nhanh và mạnh tay hơn một chút để thử độ bám của bàn phím, xem kỹ các phần chân và độ cao luôn.

Sau đó, cầm trên tay không để xem có cảm giác chắc tay hay không. Bo mạch dỏm hay bị kiểu sục sạc linh tinh không chắc chắn ở trong do có nhiều khoảng trống không hợp lý, còn một chiếc bàn phím cơ xịn tốt sẽ không bao giờ có cảm giác đó. Cảm giác đúng phải là “chắc tay dù chưa gõ thử”.

Cắp nó một bên tay xách đi lòng vòng vài bước chân xem thử việc mang vác có thuận tiện hay không. Không cần phải bỏ vào balo thử, chỉ cần vác đi như vậy đã đủ cảm nhận rồi. Nếu cảm thấy có chút gì đó gồ ghề, cồng kềnh, vướng víu thì nên xem lại. Một chiếc bàn phím cơ tốt dù thiết kế ra sao màu sắc thế nào cũng sẽ đảm bảo được tiêu chí “không chi tiết thừa”, nghĩa là không gây bất kỳ bất tiện nào khi di chuyển.

Nếu tất cả những chi tiết trên đều thỏa mãn thì yên tâm là bàn phím đó đủ 90% yêu cầu rồi.

Bước 4: Test các tính năng khác

Đừng nên thay vì test mấy phần cốt lõi như trên trước thì lại test đèn LED, xem màu và hiệu ứng... Lời khuyên là bạn nên nén lòng lại mà làm khâu đó sau cùng để đỡ tốn thời gian cho cả mình và người bán hàng. Các tính năng khác trong đó có cả đèn LED nên làm sau để đảm bảo mình chọn được chiếc bàn phím đúng chất trước đã.

Các yếu tố phụ này bao gồm:

- Đèn LED (màu đèn, độ sáng, hiệu ứng…)

- Macro (nếu có)

- DIP switch

- Dây cáp đi kèm

- Phần sạc pin (với loại không dây)

- Phần mềm đi kèm

(…)

Qua bài viết trên, mong bạn nắm rõ cách thức test một chiếc bàn phím và chọn được cho mình một chiếc bàn phím cơ ưng ý nhất nhé!/.