Theo Daily Mail, đó là cực quang vừa xuất hiện trên Sao Mộc, phát sáng tuyệt đẹp, nhiều màu trên khu vực cực Bắc và cực Nam của hành tinh. Ngoài ra, cấu trúc Great Red Spot - cơn bão màu đỏ nổi tiếng của Sao Mộc - cũng chuyển sang màu bạch kim kỳ ảo.
The Guardian cho biết cơn bão màu đỏ này đủ lớn để nuốt chửng cả Trái Đất, nỗi bật rực rỡ bên cạnh các cơn bão nhỏ hơn.
Ấn tượng nhất là một bức ảnh đặc biệt trường rộng trong đó cho thấy cả các vòng mờ xung quanh hành tinh khí khổng lồ cũng như 2 trong số hàng chục mặt trăng của nó, trên nền lấp lánh của các thiên hà phía xa.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy Sao Mộc như thế này. Tất cả đều khó tin. Thành thật mà nói, chúng tôi không thực sự mong đợi nó sẽ tốt đến thế này" - nhà thiên văn học hành tinh Imke de Pater từ Trường ĐH California ở Berkeley, nói.
Nhóm nghiên cứu các hình ảnh James Webb từ Mỹ và Pháp cho biết các hình ảnh được công bố đã được tạo màu nhân tạo để có thể nhìn rõ các đặc điểm nổi bật.
Một hình ảnh khác cho thấy cực quang ở 2 cực khá giống cực quang Trái Đất, trong khi cơn bão màu đỏ nổi tiếng phủ cực quang màu bạch kim tuyệt đẹp - Ảnh: NASA, ESA, CSA, Jupiter ERS Team
Theo NASA, cách mà Sao Mộc tạo ra cực quang cũng giống như Trái Đất, là do tương tác giữa từ trường và các hạt trong gió Mặt Trời. Tuy nhiên, với kích thước và từ trường mạnh mẽ hơn nhiều so với Trái Đất, tương tác này cũng "bùng nổ" hơn, tạo ra cực quang rất sáng và bao phủ một diện tích mênh mông trên quả cầu khí.
Cùng với cực quang, các hình ảnh được NASA công bố cũng cho thấy một cách cực kỳ chi tiết bầu khí quyển hỗn loạn của Sao Mộc. James Webb đã sử dụng 3 bộ lọc hồng ngoại chuyên dụng để tiết lộ các chi tiết tuyệt đẹp của hành tinh.
Các hình ảnh được chụp bằng camera hồng ngoại gần (NIRCam) của James Webb, siêu kính viễn vọng 9 tỉ USD được chế tạo và vận hành chính bởi NASA, có sự cộng tác của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada).