Kỹ sư IT bỏ Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp, gọi vốn vội vàng với định giá "khủng"

Mức định giá 900.000 USD là hơn 20 tỷ, dù chưa đến nỗi “ngáo giá” nhưng cũng hơi vội vàng, shark Bình đánh giá.

Tại tập 5 của chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank) mùa 4, Michael Nguyễn - nhà sáng lập và điều hành Petkix đã giới thiệu về chiếc camera dành cho chó mèo. Petkix là camera dành cho chó mèo có độ phân giải 5MP, có thể bắn đồ ăn được.

Theo giới thiệu của Michael Nguyễn, đây là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có thể xoay 360 độ. Phần mạch điện và công nghệ livestream do đội ngũ Petkix tự thiết kế. Nhà sáng lập cho biết, công nghệ này có thể ứng dụng trong nhiều sản phẩm khác trong tương lai.

Petkix được sản xuất ở nhiều nước nhưng phần cuối cùng "make in Việt Nam". Sau khi đăng bán thử 20 ngày ở cộng đồng crowdfunding (gọi vốn cộng đồng), Petkix thu về được hơn 20.000 USD. Do đó, Michael đến Shark Tank để gọi vốn 65.000 USD cho 5% cổ phần.

Trước băn khoăn của shark Hưng về việc định giá công ty 1,3 triệu USD trong khi mới thu về 20.000 USD sau 20 ngày bán, Michael chia sẻ: “Những startup hardware (phần cứng) đi tới giai đoạn thiết kế xong bo mạch và đã build (xây dựng) xong để chuẩn bị sản xuất thì thường sẽ có giá trị 8 - 9 triệu USD. Có nhiều startup ở Việt Nam cũng như trên thế giới đầu tư khoảng 3 triệu USD cũng chưa hẳn thiết kế xong camera livestream”.

Nhà sáng lập Petkix lý giải, có rất ít startup có thể làm phần cứng mà làm được cả camera. Thậm chí, có một số startup ở Việt Nam và trên thế giới đầu tư khoảng 3 triệu USD mà không nghiên cứu ra. “Nhiều người muốn sở hữu công nghệ camera của em”, Michael tự hào. 

Tuy nhiên, qua lời giới thiệu của nhà sáng lập, sự đột biến của Petkix lại đến từ (phần mềm). Phần mềm này có các chức năng thông minh như: Nhận diện chó sủa, khóc, quậy phá. “Ấn một cái nút có thể biết nó làm gì ở nhà”, Michael mô tả.

Khi được các shark hỏi về chuyên môn cá nhân, số tiền đã đầu tư, giá thành sản phẩm, kế hoạch sử dụng vốn…, Michael bình tĩnh trả lời. Michael cho biết nền tảng của mình là toán, kinh tế và thuật toán máy tính. Anh đã từng làm 1 startup sản xuất ở Mỹ và 1 startup ecommerce (thương mại điện tử) ở Mỹ.

Michael trở về Việt Nam vì nhận thấy ngành sản xuất hàng tiêu dùng điện tử vẫn đang rất mới mẻ, có nhiều cơ hội. Lý do khác là anh đã làm việc ở Mỹ 10 năm, cũng muốn khám phá thế giới và thử nhiều thứ. Để làm camera Petkix, anh đã đã đầu tư 300.000 USD, đó hoàn toàn là vốn của anh. Micheal cho biết anh dự tính sẽ kêu gọi 65.000 USD ở Shark Tank và kêu gọi thêm 250.000 USD ở bên ngoài để bắt đầu sản xuất.

Michael chia sẻ thêm rằng, trong giai đoạn này, chi phí sản xuất khá cao. Đợt sản xuất đầu tiên, toàn bộ chi phí lên tới 45 USD. Hiện tại, Petkix đang bán pre-order (đặt hàng trước) với giá 139 USD và đã bán được 135 cái trên nền tảng Indiegogo và Kickstarter. Michael dự kiến sẽ nâng giá lên 179 USD khi bán chính thức. Nhà sáng lập cho biết thêm, 70% khách hàng đến từ Mỹ, 20% đến từ các nước châu Âu, Australia, 10% còn lại ở Việt Nam - hầu hết là bạn bè và những người đã từng dùng thử sản phẩm.

Shark Phú phân tích: Nếu bán hàng qua Mỹ, các sàn thương mại điện tử sẽ tính phí lưu kho bãi, phí vận chuyển và nhận định giá bán như hiện tại là không có lời.

Lúc này, nhà sáng lập Petkix chia sẻ: “Nếu giá 139 USD thì gần như là huề vốn, 179 USD thì gần như sẽ có lời. Thật ra tụi em không nhắm về phần hardware, tụi em bán lâu dài muốn sẽ lời phần software, monthly subscription (đăng ký theo tháng), tụi em tính 4 USD/tháng”.

Shark Hưng cho rằng, mức phí đó khá đắt và mô hình kinh doanh thu subscription cổ điển rồi. Shark gợi ý Michael nên tạo hứng thú vô tận để những người yêu chó mèo có thể online xem chó mèo của họ và của hàng xóm, bạn bè. Shark Hưng giải thích: “Tức là tạo thành một cộng đồng để bán được nhiều thứ trong đó cho các supplier (nhà cung cấp), như là giống chó mèo, đồ ăn, đồ chơi, quần áo, nhà cửa, xe cộ, resort, bệnh viện cho chó mèo…”.

Còn shark Việt cho rằng, mô hình kinh doanh của startup chưa rõ ràng và chưa có gì đảm bảo rằng 65.000 USD đầu tư vào có thể quay trở lại. Vì vậy, shark Việt quyết định không đầu tư. Cùng quan điểm với shark Việt, shark Liên cũng không đầu tư cho Petkix.

Như vậy, cuộc thương thảo còn lại shark Bình, shark Hưng và shark Phú.

Kỹ sư IT bỏ Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp, gọi vốn vội vàng với định giá "khủng" - 3

Shark Bình muốn startup thay đổi định hướng về sản phẩm.

Shark Bình đánh giá: “Với sản phẩm này của em về mặt công nghệ và kỹ thuật sản phẩm không có gì đặc biệt, thậm chí có thể bị copy theo rất nhanh. Thị trường quá nhỏ và quá ngách, trong khi giá thành tương đối cao. Doanh thu của em bị mơ hồ. Bán phần cứng điện tử lời rất ít. Anh là người làm phần mềm nhưng anh ngộ ra là bán phần mềm không giàu”.

Tuy nhiên, shark Bình cũng cho rằng: “Anh nghĩ startup cần định hướng. Anh sẽ đầu tư với điều kiện chúng ta ngồi bàn lại. Thay vì theo dõi chó thì theo dõi người. Dùng trí tuệ nhân tạo, gọi là các camera thông minh”. Shark Bình đề nghị khoản đầu tư 100.000 USD cho 20% cổ phần và có quyền mua giảm giá 30% định giá công ty ở vòng sau.

Shark Hưng cho biết bản thân thích những gì đột biến, còn Petkix lại đều đều, bình thường. Theo shark, “cái này cũng có thể sử dụng một phần cho những mô hình chúng tôi phát triển lên. Tuy nhiên nếu để đầu tư cho riêng mình thì tôi cho rằng mất khá nhiều thời gian” và đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 33% cổ phần. 

Shark Phú nhận xét: “Nhìn cách em làm, nếu em độc lập kinh doanh thì khả năng thành công sẽ rất thấp. Tuy nhiên cái anh đang thiếu là về mặt tech (công nghệ). Bài học các mùa trước rất nhiều, các em như bọn em đầu tư vào rồi các em đi mất, anh không biết đằng nào mà tìm” và “không biết đằng nào mà thu hồi vốn”.

Shark Phú cũng giải thích thêm: “Nếu đầu tư mà không nhìn được cơ hội thu hồi thì sẽ không ai đầu tư cả. Chính vì vậy, anh phải nhìn thấy con đường thu hồi vốn. Đấy là nguyên tắc của nhà đầu tư”. Nói xong, shark Phú đề nghị 150.000 USD cho 40% cổ phần và giải thích: “Cổ phần có ý nghĩa gì đâu nếu công ty thất bại”.

Shark Bình tổng kết: “Anh đang định giá em 400.000 USD, shark Phú định giá pre-money là 225.000 USD, của Shark Hưng chỉ có 200.000 USD. Anh đang định giá gấp đôi shark Hưng”.

Lúc này, shark Hưng và shark Phú đều đưa ra lý lẽ riêng để thuyết phục Michael. Shark Hưng cho rằng startup “cần nhìn thấy tương lai chứ đừng nhìn 100.000 USD, 200.000 USD”. Còn shark Phú lại thuyết phục “Tiền ban đầu không quan trọng. Để bán hàng này phải sản xuất nhiều, tồn kho công nợ mới cần nhiều tiền”.

Shark Bình kết luận: “Định giá anh đưa ra là thuần túy cho con người và đội ngũ của em. Chứ sản phẩm này có thể không tiếp tục mà có thể chuyển sang một sản phẩm khác”, shark nhận định.

Sau khi xin phép suy nghĩ, Michael cho biết định giá pre-money khoảng 900.000 USD và đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 10%. Anh giải thích đội ngũ làm việc rất tốt vì đã quen với môi trường ít người nhưng làm được nhiều việc.

Kỹ sư IT bỏ Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp, gọi vốn vội vàng với định giá "khủng" - 4

Shark Bình và Petkix về chung nhà.

Sau đó, shark Hưng rút khỏi deal, còn shark Phú không thay đổi đề nghị.

Startup thuyết phục: “Thực ra em có thể mang lại nhiều giá trị cho anh lắm tại em rành thị trường ở Mỹ”. Đáp lại, shark Phú phân tích rằng “Sunhouse có đủ môi trường như các phòng thí nghiệm, phân xưởng để em có thể thực hành và tạo ra nhiều sản phẩm trong tương lai”.

Shark Bình đánh giá: “Mức định giá pre-money 900.000 USD là hơn 20 tỷ, dù chưa đến nỗi “ngáo giá” nhưng cũng hơi vội vàng”. Vì vậy, shark không thay đổi đề nghị.

Michael lúc này đưa ra đề nghị mới 150.000 USD cho 20% cổ phần nhưng không được các shark chấp nhận. Shark Bình đề nghị đầu tư 120.000 USD cho 20% (kèm quyền mua giảm giá 30% định giá công ty ở vòng sau), còn shark Phú vẫn giữ nguyên con số đã đưa ra.

Cuối cùng, startup đồng ý với đề nghị của shark Bình. Shark Bình lại một lần nữa nhấn mạnh rằng “Anh đầu tư vào con người”.