Vậy thể được xác định là một sao chổi, đã để lại chiếc đuôi băng giá rất dài trên đường đi. Nó đã được phát hiện từ rất lâu và một phân tích năm 2008 cho thấy 96P/Machholz 1 chứa ít hơn 1,5% chất hóa học cyanogen, đồng thời có lượng carbon thấp bất thường cho thấy nó không thuộc về hệ Mặt Trời.
Theo Live Science, nó lao thẳng về phía Mặt Trời trên đường đi, thăng hoa rực rỡ trong thời gian qua và sẽ tiết lộ thêm nhiều thống tin thú vị.
"96P/Machholz 1 là một sao chổi không điển hình cả về thành phần lẫn hành vi nên chúng tôi không bao giờ biết chính xác những gì có thể nhìn thấy" - nhà vật lý thiên văn Kar Battams từ Phòng thí nghiệm Nghiên cứu hải quân ở Washington DC (Mỹ) cho biết.
Vật thể liên sao này được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà thiên văn nghiệp dư David Machholz vào năm 1986 bằng một kính thiên văn tự chế.
Hầu hết các sao chổi lao về phía Mặt Trời có xu hướng nhỏ hơn 10 m nên bị đốt cháy hoàn toàn khi đến gần ngôi sao mẹ của chúng ta, nhưng kích thước khổng lồ của 96P/Machholz 1 được kỳ vọng sẽ bảo vệ nó khỏi sự bốc hơi hoàn toàn.
Ước tính của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy sao chổi này tiếp cận gần Mặt Trời nhất trong ngày 31-1, gần hơn tới 3 lần so với Sao Thủy chứ không xảy ra va chạm.
Theo các nhà thiên văn, sao chổi có thể đã bắt đầu quỹ đạo kỳ lạ hướng về hệ Mặt Trời của chúng ta sau khi bị lực hấp dẫn của một hành tinh khổng lồ trong hệ sao "quê hương" đẩy bật đi.
Sau một thời gian đáng kể lang thang trong vũ trụ, nó có thể đã tình cờ bị vướng vào lực hấp dẫn cũng khổng lồ không kém của Sao Mộc và bắt đầu cú lao mình về phía Mặt Trời.
96P/Machholz 1 hiện đang được theo dõi bởi Đài quan sát Mặt Trời và nhật quyển (SOHO), một tàu vũ trụ của ESA.