"Với tinh thần thiện chí của các bên, Đài Truyền hình Việt Nam đã nối lại tín hiệu kênh VTV trên các dịch vụ truyền hình, giúp khán giả tiếp tục thưởng thức chương trình chất lượng trên các kênh sóng của VTV, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới", thông báo đăng trên Thời báo VTV tối 22/1 có đoạn.
Từ 19h30, hai kênh VTV2 và VTV3 lần lượt trở lại trên nền tảng TV360, MyTV trong khi FPT Play là từ ngày 23/1.
Đây là kết quả sau thời gian đàm phán giữa VTV và một số nền tảng truyền hình tại Việt Nam. Trước đó, hôm 16/1, hai kênh VTV2 và VTV3 bất ngờ biến mất trên FPT Play, TV360, MyTV. Lý do được cả ba nền tảng đưa ra là "chưa đạt được thỏa thuận với Đài Truyền hình Việt Nam".
Ngày 19/1, VTV đăng tải thông tin rằng "chi phí bản quyền mà các đơn vị đang chi trả chưa phản ánh đúng giá trị mà nội dung của VTV mang lại".
Từ cuối tháng 11/2024, đơn vị đã khởi động làm việc, trao đổi với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về mô hình hợp tác mới, mục tiêu "đảm bảo giữa giá trị nội dung, chi phí đầu tư của VTV với lợi ích của khán giả và doanh nghiệp". Tuy nhiên, một số bên chưa đạt được thỏa thuận, khiến VTV "không có cơ sở pháp lý cần thiết để duy trì cung cấp tín hiệu cho toàn bộ gói kênh".
Họ sau đó cho biết sẽ tiếp tục đàm phán dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 20/1. Tuy nhiên theo thông báo đưa ra, việc đàm phán chưa đi đến kết quả cuối cùng.
"Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị sẽ tiếp tục trao đổi để đạt được thỏa thuận cuối cùng trong thời gian sớm nhất", thông báo nêu.
Ngoài các nền tảng truyền hình số, người dùng có thể xem kênh của VTV qua ứng dụng VTVgo hoặc hệ thống truyền hình số mặt đất DVB-T2.
Thời gian qua, số lượng kênh truyền hình trên các nền tảng số ngày càng suy giảm. Hôm 15/1, 13 kênh truyền hình VTC cũng biến mất sau khi Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ngừng phát, cùng Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc hội.