Theo CNN, ChatGPT - công cụ chatbot AI mới mạnh mẽ của OpenAI đã vượt qua kỳ thi cuối kỳ môn luật tại Đại học Minnesota và một kỳ thi khác tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ). Đây đều là các trường hàng đầu tại Mỹ hiện nay trong việc đào tạo các bộ môn như kinh doanh và luật.
Theo đó, để kiểm tra xem ChatGPT thể hiện ra sao trong kì thi sau khi hoàn thành 4 khóa học về luật, các giáo sư tại Trường Luật Đại học Minnesota gần đây đã chấm điểm các bài kiểm tra theo dạng “bịt mắt” - tức không hề hay biết bài kiểm tra nào được thực hiện bởi AI.
Sau khi hoàn thành 95 câu hỏi trắc nghiệm và 12 câu hỏi tự luận, ChatGPT đạt điểm ở mức C+ - ngưỡng trình độ trung bình của một sinh viên C+, tức đạt điểm thấp nhưng đủ để đậu trong cả bốn khóa học.
ChatGPT đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi cuối cùng chương trình MBA (chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh) tại Wharton, nơi chatbot AI này đạt điểm từ B đến B- trong bộ môn Quản lý hoạt động.
Được phát triển bởi OpenAI, ChatGPT có thể trả lời mọi câu hỏi về kiến thức chuyên sâu của người dùng, hay thậm chí là vấn đề cá nhân. Ảnh: Internet
Christian Terwiesch, giáo sư giảng dạy bộ môn kinh doanh tại trường Wharton, cho biết đã "thể hiện một cách tuyệt vời ở các câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản, bao gồm cả những câu hỏi dựa trên các case study điển hình".
Tuy nhiên, vị giáo sư đang công tác tại trường Wharton lưu ý rằng, ChatGPT vẫn có những thiếu sót, bao gồm cả việc gặp khó khi gặp phải "các câu hỏi phân tích quy trình nâng cao hơn". Song song đó, ChatGPT vẫn mắc "những lỗi đáng ngạc nhiên" với toán học cơ bản. Ông viết: "Những sai lầm này có thể rất nghiêm trọng".
ChatGPT có lợi hay có hại?
Thành tích đáng ngạc nhiên của ChatGPT đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều trường học và giáo viên bày tỏ lo ngại về tác động tức thì của ChatGPT đối với học sinh - sinh viên, cũng như việc chatbot này có thể tiếp tay cho việc gian lận khi thực hiện bài tập về nhà.
Một số nhà giáo dục hiện phải thay đổi một cách chóng mặt về cách thức ra các bài tập của họ để ứng phó với ChatGPT, ngay cả khi vẫn chưa rõ mức độ phổ biến của công cụ này đối với học sinh và mức độ ảnh hưởng thực sự của nó đối với việc học.
Trao đổi với CNN, Jon Choi, một trong những giáo sư luật của Đại học Minnesota, khẳng định mục tiêu của các bài kiểm tra là khám phá tiềm năng của ChatGPT trong việc hỗ trợ cho các luật sư khi họ hành nghề. Thông thường, các câu hỏi trong kì thi thường dựa trên các tình huống mà luật sư phải giải quyết trong đời thực.
Song song đó, trường đại học này muốn xem chatbot AI này có thể trợ giúp đến mức nào cho các sinh viên Luật trong các kì thi, bất chấp việc có được giáo sư của họ có cho phép dùng chatbot này hay không.
"ChatGPT đã phải vật lộn với những câu hỏi kinh điển nhất của kỳ thi vào trường luật, chẳng hạn như phát hiện các vấn đề pháp lý tiềm ẩn, hay phân tích kĩ càng để tìm cách áp dụng các quy tắc pháp lý vào các tình tiết của một vụ án", giáo sư Choi cho biết.
"Nhưng ChatGPT có thể rất hữu ích trong việc tạo bản nháp đầu tiên mà sau đó các sinh viên có thể chỉnh sửa."
Ông lập luận rằng sự hợp tác giữa con người và AI chính là lợi ích lớn nhất mà chúng ta có thể thu được từ ChatGPT và công nghệ tương tự.
"Tôi có linh cảm mạnh mẽ về việc trợ lý AI sẽ trở thành công cụ tiêu chuẩn cho các luật sư trong tương lai gần. Các trường luật nên chuẩn bị cho sinh viên của họ sẵn sàng cho tình huống đó".
"Tất nhiên, nếu các giáo sư luật muốn tiếp tục kiểm tra khả năng ghi nhớ các quy tắc và học thuyết pháp lý của sinh viên, họ sẽ cần đưa ra các hạn chế như cấm sử dụng internet trong các kỳ thi để thực thi điều đó."
Tương tự như vậy, giáo sư Terwiesch của trường Wharton nhận thấy ChatGPT "rất giỏi" trong việc sửa đổi câu trả lời của nó sau khi nhận được phản hồi của con người, cho thấy tiềm năng con người có thể làm việc cùng với AI.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn còn sự lo ngại nhất định về việc liệu học sinh - sinh viên có nên sử dụng ChatGPT hay không và cách thức sử dụng. Ví dụ, các trường công lập ở Thành phố New York và Seattle (Mỹ) đã cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT trên các mạng và thiết bị của học khu.
Về vấn đề này, bản thân các nhà giáo dục cũng đang tỏ ra bối rối và có nhiều quan điểm khác nhau. Với giáo sư Terwiesch, ông đồng ý rằng nên áp dụng các hạn chế đối với học sinh - sinh viên khi họ làm bài kiểm tra.
"Các lệnh cấm là cần thiết. Xét cho cùng, khi bạn cấp bằng cho một bác sĩ y khoa, bạn muốn họ biết về y học chứ không phải về cách sử dụng chat bot. Điều tương tự cũng áp dụng cho các chứng chỉ kỹ năng khác, bao gồm luật và kinh doanh.", ông chia sẻ.
Nhưng Terwiesch tin rằng công nghệ này cuối cùng vẫn có chỗ đứng trong lớp học.
"Nếu tất cả những gì chúng ta có được vẫn là một hệ thống giáo dục giống y như trước đây, chúng ta đã lãng phí một cơ hội tuyệt vời mà ChatGPT mang đến", ông khẳng định.
Tham khảo CNN