Mới đây, cô nàng Khả Ngân đã có một chuyến du lịch thực sự đáng nhớ và ấn tượng với những bức ảnh trong mơ của nhiều người. Địa điểm được chọn là đảo Hokkaido (Nhật Bản) với rất nhiều shot hình mê đắm nhìn ra biển mây trời bao la, được chụp từ khu ngắm cảnh Unkai Terrace. Với vẻ lạ lẫm xen lẫn phần hoang sơ tự nhiên, đây chắc chắn là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những tín đồ thích "săn mây" sống ảo.
Ảnh: Instagram Khả Ngân
Ấy vậy, nếu là một người am hiểu và thường follow những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy một điều: Những bức hình của Khả Ngân có thể đẹp lên gấp vạn lần nếu áp dụng kịp thời một mẹo chụp ảnh nhỏ mà có võ - chụp phơi sáng.
Kỹ thuật chụp ảnh nhỏ mà có võ
Chụp phơi sáng là kỹ thuật chụp ảnh kéo dài thời gian mở cảm biến lâu hơn bình thường, từ đó cho ra hình ảnh có sự biến chuyển của thời gian tác động lên cảnh vật được chụp. Nói một cách đơn giản, thay vì chụp "tách" một phát ăn liền, điều này sẽ khiến camera mở cảm biến lâu hơn một chút để thu nhận thêm nhiều dữ liệu hình ảnh trong một khoảng thời gian nhất định. Biểu hiện dễ thấy nhất khi chụp phơi sáng là các vệt chuyển động kéo dài, dù mờ mờ không rõ nét nhưng lại có tính chất chủ ý như vậy, tạo ra hiệu ứng huyền ảo, lạ lẫm làm điểm nhấn.
Nhiều nhiếp ảnh gia đường phố rất chuộng kỹ thuật chụp ảnh này để cố tình cho ra những bức hình mờ ảo có chủ đích.
Các vệt sáng kéo dài trên đường chính là ánh đèn từ xe cộ, chỉ có thể được thu lại như vậy nhờ mở cảm biến camera lâu hơn bình thường.
Vậy chụp phơi sáng có tác dụng gì khi đem áp dụng với mây trời? Hãy cùng chiêm ngưỡng một ví dụ sau để thấy rõ sự khác biệt so với cách chụp thông thường của Khả Ngân:
Đám mây trên núi được ghi lại sau khi chụp phơi sáng.
Không phải thác nước hay dòng sông, những gợn trắng trải dài dốc thoải trên chính là các đám mây được chụp lại nhờ kỹ thuật phơi sáng. Mở cảm biến camera trong một thời gian lâu, mọi chuyển động của các đám mây không được "bắt dính" ngay lập tức mà được ghi lại liên tục trong cả quá trình. Do đó, kết quả chụp mây biến hóa trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn nhiều. thay vì dáng vẻ bồng bềnh nổi khối rõ rệt thông thường (như trong ảnh của Khả Ngân).
Tùy vào diện tích và tốc độ mây bay, thời gian giữ cảm biến camera kéo dài có thể dao động trong khoảng 30 giây cho tới 1-2 phút là hợp lý. Cách thức này cũng có thể áp dụng tương tự cho sông nước, hoặc bất cứ mục đích chụp ảnh vật thể chuyển động nào được tính toán trước:
Bạn sẽ không bao giờ thấy một thác nước chảy "mượt" thế này nếu không áp dụng chụp phơi sáng.
Không có máy ảnh, chụp phơi sáng trên điện thoại thế nào?
Smartphone ngày nay đã có thể giúp chụp phơi sáng một cách dễ dàng mà không cần quá nhiều đồ nghề chuẩn bị hay kiến thức cao siêu như dân chuyên. Yếu tố quan trọng nhất bạn cần chú ý nếu muốn đem về một tấm ảnh để đời là tốc độ màn trập (shutter speed).
Tốc độ màn trập chính là thời gian để camera thu nhận toàn bộ quá trình hình ảnh diễn ra khi mở cảm biến. Nếu là Android, cài đặt này có thể được tìm thấy ngay trên chế độ chụp camera nâng cao mặc định. Nếu là iOS, bạn cần tải một ứng dụng giúp truy cập camera sâu hơn để có thể điều chỉnh.
Tốc độ màn trập có biểu tượng chữ "S", luôn có mặt trong các phần cài đặt camera nâng cao.
Mọi việc cần làm còn lại chỉ là chỉnh thời gian rồi căn góc chụp, không cần quá quan tâm đến các thông số khác vì smartphone có thể tính toán hết toàn bộ cho khớp. Sau cùng, hãy đặt máy lên tripod hoặc một nơi cố định vì chụp phơi sáng rất kỵ việc rung lắc. Ngoài ra, nếu có ý định tự chụp mình vào ảnh như Khả Ngân, hãy đảm bảo mình đứng yên vị trong toàn bộ thời gian chụp, nếu không cả cơ thể bạn cũng sẽ mờ nhòe theo y hệt như những đám mây luôn đó!
Các vệt sáng đèn ô-tô kéo dài nhòe theo thời gian chụp mà người vẫn rõ nét vì anh đã đứng yên trong suốt thời gian mở camera.