GenZ ngày nay liệu có biết “TV tinh thể lỏng”?
Tên gọi “Tivi tinh thể lỏng” có lẽ không xa lạ với hệ thệ 9x, 8x đổ về trước nhưng với GenZ thì chưa hẳn ai cũng biết. Đây chính là cách gọi thuần Việt của dòng TV LCD mà ở đó các điểm ảnh tinh thể lỏng (Liquid Crystal Display) sẽ đóng vai trò hiển thị hình ảnh. Tuy nhiên, hình ảnh này không tự phát sáng mà sẽ cần tới đèn nền.
Với TV LCD truyền thống, hệ thống đèn nền chiếu sáng phía sau sử dụng đèn huỳnh quang. Về sau, các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng đèn LED thay thế cho đèn huỳnh quang và gọi đó là TV LED. Có thể thấy, TV LED đơn thuần là sự cải tiến của TV LCD để nâng cao chất lượng hiển thị, giúp TV mỏng hơn, tiết kiệm điện hơn…
Thế còn TV QLED và Nano Cell thì sao?
Đi thẳng vào vấn đề, QLED hay Nano Cell bản chất đều là TV LCD/LED nhưng tiếp tục được cải tiến hơn nữa. Cái tên QLED là viết tắt của từ Quantum Dot - LED, trong đó màn hình LED được tăng cường bởi các chấm lượng tử có kích thước vài nano-mét. Những chấm này giúp màu sắc hiển thị rực rỡ hơn, sống động hơn.
Đối với Nano Cell, dòng tivi này được bổ sung các chấm lượng tử với kích thước siêu nhỏ chỉ 1 nano-mét nhưng sẽ được thêm ngay vào cấu trúc của tấm nền LCD. Xét theo lý thuyết thì chấm càng nhỏ thì hiệu quả màu sắc càng cao.
Công nghệ Nano Cell còn ưu việt hơn khi chấm lượng tử được thêm trực tiếp bên dưới mặt kính cho phép dễ dàng áp dụng mà không cần thay đổi quy trình sản xuất. Nhờ vậy mà chi phí được tối ưu, giúp TV Nano Cell có giá thành cạnh tranh hơn nhiều.
Mấu chốt ở đây là TV QLED hay Nano Cell hoặc có được gọi bằng cái tên nào đi nữa thì nó vẫn cần tới đèn nền LED để chiếu sáng.
TV OLED - Đỉnh cao công nghệ màn hình
Hết QLED rồi đến OLED, khác nhau ở đây chỉ là hai chữ cái đầu nhưng đằng sau đó là cách biệt hoàn toàn về bản chất, công nghệ và đương nhiên là “đẳng cấp” cũng chênh lệch.
OLED viết tắt của Organic Light-Emitting Diode tức là các diode hữu cơ phát quang. Sử dụng tấm nền tập hợp hàng triệu điểm ảnh là các diode hữu cơ phát quang, bản thân mỗi điểm ảnh trên TV OLED có khả năng bật, tắt độc lập khi có dòng điện chạy qua. Cũng chính vì có khả năng tự phát sáng nên TV OLED không cần tới đèn nền như TV LCD/LED. Bỏ được thành phần này nên đương nhiên TV OLED mỏng hơn rất nhiều.
Nếu TV LCD/LED sử dụng đèn nền thì TV OLED là tập hợp hàng triệu điểm ảnh với khả năng tự động bật tắt độc lập, cho màu đen sâu và độ tương phản vô hạn.
Ngoài ra, vì mỗi điểm ảnh bật, tắt độc lập nên khả năng kiểm soát vùng tối, vùng sáng của TV OLED hoàn hảo hơn. Ví dụ, khi hiển thị bầu trời đêm, các điểm ảnh trên TV OLED sẽ tự động tắt hoàn toàn khiến cho màu đen trên màn hình sâu thẳm vô tận. Kết quả là độ tương phản của TV sẽ được nâng cao hơn, hình ảnh trên nền trời đen sẽ hiển thị sáng, rực rỡ sống động hơn.
Với việc sử dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất phức tạp bằng những vật liệu “xịn sò”, TV OLED cũng có mức giá cao hơn các mẫu TV LCD/LED. Tuy nhiên, hiện nay, LG - hãng TV đi đầu trong công nghệ OLED đã liên tục cải tiến quy trình để tối ưu giá thành giúp nó ngày càng dễ tiếp cận người dùng hơn.
Không những vượt trội với công nghệ màn hình tiên tiến, sản phẩm TV OLED evo của thương hiệu LG còn gây ấn tượng với thiết kế sang trọng và đẳng cấp.
Mini LED - hướng đi mới của công nghệ TV
Sự ra đời của TV mini LED có thể xem là điểm trung hòa giữa LCD/LED và OLED: Hiển thị tốt hơn trong khi giá thành lại phải chăng.
TV mini LED bản chất là TV LCD/LED, tức cần tới đèn nền. Điểm khác biệt ở đây chính là việc hệ thống đèn nền TV mini LED sử dụng hàng chục nghìn bóng LED siêu nhỏ nhằm nâng cao hiệu quả hiển thị. Ở đây sẽ lấy ví dụ về TV QNED của LG, một trong những mẫu TV mini LED ra mắt gần đây được đánh giá rất cao trên thị trường hiện nay.
TV LG QNED có tới 30.000 bóng LED siêu nhỏ, được chia làm 2.500 vùng độc lập. Nhờ việc có vô số bóng mini LED này mà TV của LG cho độ sáng cao hơn. Đồng thời, nó cũng có khả năng kiểm soát vùng sáng, vùng tối chi tiết hơn do được chia nhỏ. Kết quả là TV LG QNED cho độ tương phản lên đến 1.000.000.000:1, màu đen sâu và độ sáng tinh khiết.
Với gần 30.000 bóng mini LED nền siêu nhỏ, chia thành 2.500 vùng độc lập kết hợp cùng tấm film Nano, hình ảnh hiển thị trên TV LG QNED cực kì sắc nét và tươi sáng.
Như vậy, có thể tóm gọn lại rằng công nghệ TV đang chia làm hai nhánh: TV LCD/LED sử dụng đèn nền và TV OLED với điểm ảnh tự phát sáng nên không cần đèn nền.
Tuy bản chất thuộc dòng TV LCD, nhưng LG QNED lại trở nên khác biệt với hệ thống đèn nền mini LED siêu nhỏ. Sản phẩm đang được đánh giá cao trên thị trường.
Trong “họ” nhà LCD/LED, các hãng cũng liên tục cải tiến công nghệ và thương mại chúng dưới các tên gọi khác nhau. Mới nhất hiện nay là TV mini LED với đại diện tiêu biểu là TV LG QNED. Không chỉ dùng bóng đèn LED siêu nhỏ, LG vẫn duy trì các công nghệ khác của mình như Quantum Dot, Nano Cell trên sản phẩm này. Kết quả là TV QNED hiển thị đẹp hơn, tương phản cao, đặc biệt là màu đen sâu… nhưng giá thành rất cạnh tranh.