Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn, quy mô 831.018 ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc dự kiến trình cấp có thẩm quyền sáp nhập vào TP Lạng Sơn.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm. Lạng Sơn sẽ là trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc và là "cầu nối" kinh tế, thương mại quan trọng giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 sẽ có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Quy hoạch tỉnh mới được thông qua và chưa có bản vẽ chi tiết từng khu vực, dưới đây là hình ảnh viễn cảnh tương lai của tỉnh Lạng Sơn do ứng dụng AI chat GPT tạo ra.
Theo quy hoạch, dự kiến tỉnh Lạng Sơn sáp nhập huyện Hữu Lũng (rộng 806km2), Chi Lăng (701km2), Cao Lộc (643km2) vào TP Lạng Sơn. Nếu việc này được thông qua, TP Lạng Sơn sẽ tăng diện tích gấp 27,5 lần; từ 78km2 lên 2.150km2. Địa phương này sẽ "soán ngôi" TP Hạ Long, Quảng Ninh (1.119km2) để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có 17 đô thị gồm: 1 đô thị loại II (TP Lạng Sơn mở rộng); 03 đô thị loại IV (Hữu Lũng, Đồng Mỏ, Lộc Bình); 13 đô thị loại V (Chi Lăng, Vạn Linh, Na Sầm, Tân Thanh, Thất Khê, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Ngả Hai, Na Dương, Chi Ma, Đình Lập, Nông trường Thái Bình). TP Lạng Sơn sẽ có sân vận động quy mô 25.000 người trong thời gian tới.
Về phát triển mạng lưới giao thông, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 2 tuyến cao tốc đoạn qua địa phận tỉnh Lạng Sơn gồm: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đối với Cao tốc Tiên Yên (Quảng Ninh) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) được quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Lạng Sơn đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện 7 tuyến quốc lộ hiện có và 1 tuyến quốc lộ mới. Về đường tỉnh, tỉnh nâng cấp, cải tạo 23 tuyến đường tỉnh hiện có; phát triển 16 tuyến đường tỉnh mới và các tuyến tránh quốc lộ. Đồng thời đầu tư xây dựng các tuyến đường vành đai, trục đô thị, trục khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch đô thị thành phố Lạng Sơn mở rộng, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và quy hoạch đô thị các huyện.
Về quy hoạch mạng lưới đường sắt, tỉnh dự kiến nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; nâng cấp, mở rộng ga Yên Trạch, ga Phố Vị và cải tạo ga Đồng Đăng; duy trì nhánh đường sắt Mai Pha - Na Dương; bố trí kết nối ray từ ga Đồng Đăng đến khu trung chuyển hàng hoá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ ga Yên Trạch đến cảng cạn Yên Trạch; quy hoạch đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng mới giai đoạn sau năm 2030.
Phát triển 12 cửa khẩu, trong đó tập trung phát triển 5 cửa khẩu: Cửa khẩu Hữu Nghị; cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng; cửa khẩu Tân Thanh; cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc); cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan.
Trong đó, cửa khẩu Hữu Nghị phát triển trở thành cửa khẩu kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh, là "mô hình điển hình" cho vận tải đường bộ của Việt Nam và cửa khẩu Tân Thanh phát triển theo hướng trở thành trung tâm chế xuất nông sản và tiêu thụ hàng nông sản cho Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua sàn giao dịch nông sản.
Thời kỳ 2021 - 2030, định hướng phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 2.055 ha. Thời kỳ 2021 - 2030, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát triển 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.158,1 ha. Các khu công nghiệp được bố trí tại các huyện có vị trí thuận lợi về giao thông và điều kiện địa hình, quỹ đất phát triển, tập trung tại các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình.
Xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, sân golf tại các huyện và thành phố Lạng Sơn.
Mục tiêu quy hoạch phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.Khu du lịch Mẫu Sơn phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 800 ngàn lượt khách; đến năm 2030 đón trên 1,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 50 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỷ đồng.
Không chỉ thu hút du khách check in vào những ngày đỉnh Mẫu Sơn chìm trong băng giá, thung lũng Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn) cũng là điểm du lịch có sức cuốn hút nao lòng, đặc biệt là vào tháng 7 với thảm lúa vàng óng ả hòa quyện cùng mây, nắng, núi và gió. Để ngắm được toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn, du khách phải sẽ leo lên đỉnh ngọn núi Nà Lay có độ cao 600m.
Là một trong những hang động đẹp nhất Việt Nam, động Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn là điểm dừng chân hàng đầu của bất cứ du khách nào ghé đến Lạng Sơn bởi không chỉ thắng cảnh mà đây còn là điểm đến tâm linh cho các Phật tử và du khách. Được mệnh danh “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”, động Tam Thanh sở hữu vẻ đẹp tự nhiên kỳ thú với những nhũ đá đẹp lung linh, muôn hình vạn trạng gợi sự tò mò thích thú cho người xem, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch của Lạng Sơn trong tương lai.
Về nông nghiệp, Lạng Sơn ưu tiên thúc đẩy một số chuỗi sản phẩm đặc trưng như: na Chi Lăng, Hữu Lũng; hồng Cao Lộc, Văn Lãng; thạch đen Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng; hồi Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Bắc Sơn; thông Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn sẽ có từ 140 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.