Sau khi Huawei vén màn thế hệ P40, "mùa đầu bảng" 2020 cũng đã kết thúc. Do dịch bệnh hoành hành, các hãng smartphone hàng đầu thế giới đã vô tình phải chấp nhận một điểm chung hiếm thấy trong lịch sử di động: tổ chức sự kiện online. Ngoại trừ Samsung kịp thời tổ chức Unpacked tại San Francisco, tất cả các hãng Android khác đều đã vén màn thế hệ đầu bảng mới qua mạng. Ngay cả Xiaomi, dù tổ chức sự kiện cho Mi 10 chỉ sau Galaxy S20 không đầy một ngày, cũng đã phải chọn cách này.
Nhưng online không phải là điểm chung duy nhất của đầu bảng 2019. Vô tình hay hữu ý, các hãng smartphone đang chọn những con át chủ bài có triết lý quá giống nhau.
48MP giờ là độ phân giải... thấp nhất trên camera chính của Android đầu bảng.
Đầu tiên, có thể kể đến trào lưu "số to" trên camera phone. Sau khi chạy đua số chấm trên smartphone tầm trung vào năm ngoái, năm nay các hãng Android đều đã đưa trào lưu này lên smartphone đầu bảng. Ra mắt gần nhau, Samsung và Xiaomi đều dùng cảm biến 108MP (vốn do Samsung thiết kế và sản xuất). Để trở lại với phân khúc đầu bảng, OPPO sử dụng cảm biến "thửa riêng" từ Sony với độ phân giải 48MP. Huawei cũng không đứng ngoài cuộc đua khi nâng cấp từ cảm biến 40MP của P30 Pro và Mate 30 Pro lên cảm biến 50MP trên P40 Pro.
Mới năm ngoái thôi, chiếc Galaxy S10 có camera chính 16MP còn làm chủ thị trường cao cấp . Ấy thế mà năm nay, bạn chẳng thể tìm nổi một chiếc đầu bảng nào dùng cảm biến chính dưới 48MP nữa.
Kích cỡ cảm biến trên camera smartphone giờ đã lớn hơn bao giờ hết.
Một trào lưu khác không thể bỏ qua trên camera là kích cỡ cảm biến. Năm ngoái, Huawei đã thống trị bảng xếp hạng DxOMark bằng cách liên tục sử dụng cảm biến có độ lớn cao gấp nhiều lần đối thủ. Năm nay, lợi thế này không còn là của riêng Hoa Vỹ khi cảm biến ISOCELL trên Galaxy S20 Ultra và Mi 10 Pro đều đã được nâng cấp lên mức 1/1.33 inch. Bám đuổi khá sát ở phía sau, OPPO sử dụng cảm biến kích cỡ 1/1.4 inch cho Find X2 Pro, tuy vẫn thua kém đối thủ nhưng không đáng kể.
Điều đáng nói là Huawei vẫn quyết tâm vượt mặt các đối thủ. Trên P40 Pro, gã khổng lồ Trung Quốc nâng cấp cảm biến lên mức 1/1.28 inch. Tại lễ ra mắt online, Huawei không quên đem lợi thế này ra so sánh với các đối thủ, dù rằngmức chênh lệch về kích cỡ đường chéo với cảm biến của Xiaomi và Samsung chưa đầy… 1 milimet.
2020, các nhà sản xuất không chạy đua độ sắc nét, chỉ đua "mượt".
Bù lại, Samsung đang vượt mặt Huawei trên thông số màn hình: nếu như P40 Pro chỉ sử dụng mật độ làm mới 90Hz thì cả 3 mẫu Galaxy S20 đều đã nâng cấp lên mức 120Hz. Vượt lên trên 2 ông lớn này, OPPO trang bị cho Find X2 Pro màn hình có khả năng duy trì 120Hz ở độ phân giải QHD+ (Samsung chỉ có thể đạt Full HD khi bật chế độ 120Hz).
Như vậy, cả 3 ông lớn đều đã tìm cách gia tăng độ mượt trong trải nghiệm người dùng. Chỉ duy nhất Xiaomi là không tham gia trào lưu này khi vẫn tiếp tục sử dụng màn hình 60Hz giống như smartphone 2019.
Ngôn ngữ thiết kế ngày càng giống nhau.
Một nét riêng khác của Xiaomi là module camera phía sau khi Mi 10 Pro vẫn tiếp tục dùng thiết kế "con nhộng" giống các thế hệ Mi trước (và dĩ nhiên là giống cả iPhone). Trong khi đó, tất cả các hãng Android còn lại đều đang lựa chọn module camera hình chữ nhật màu đen giống như iPhone 11 Pro. Thời đại của thẩm mỹ có lẽ đã thực sự kết thúc, tính năng giờ được đặt lên trên.
Nhưng Xiaomi cũng không thoát khỏi trào lưu màn hình "đục lỗ" của Android đầu bảng 2020. Không ai bảo nhau, tất cả các hãng Android đều đã từ bỏ thiết kế "tai thỏ" kiểu iPhone hay thiết kế "giọt nước" trên Android 2019. Trong khi OPPO và Xiaomi cùng sử dụng "nốt ruồi duyên" giống Galaxy S10 trước đây, Huawei lại sử dụng một nốt ruồi… "dài" giống như Galaxy S10 Plus. Thiết kế này khiến cho P40 Pro có đôi chút khác biệt khi sánh vai cùng các đối thủ Android, bởi Samsung cũng đã từ bỏ nốt ruồi "dài" từ Galaxy Note 10. Trên cả 3 chiếc Galaxy S20, Samsung đều đặt một nốt "duyên" ở giữa màn hình.
Như vậy, kết thúc "mùa đầu bảng 2020", smartphone Android đang hình thành những xu thế rõ rệt hơn bao giờ hết. Sự cạnh tranh bây giờ đến từ trải nghiệm sử dụng thực tế mà thôi.