Chắc chắn, chiếc chân đế "nghìn đô" Pro Stand của Apple là một trong những sản phẩm bị đem ra mỉa mai nhiều nhất trong năm 2019 vừa qua. Đứng từ góc nhìn của một người tiêu dùng, chúng ta có lẽ sẽ cảm thấy nực cười, và có lẽ là tức giận nữa. Chúng ta có quyền chê bai khi cấu hình của Mac Pro chỉ bằng một góc nhỏ giá bán. Chúng ta có lý do để cảm thấy bực bội khi màn hình của Apple có giá đến 5000 USD trong khi rất nhiều lựa chọn hấp dẫn từ LG hay Dell chỉ có giá vài trăm USD. Những sản phẩm Pro nhất được Apple vén màn trong năm 2019 như để chọc giận người tiêu dùng, như để tô điểm cho hình ảnh "móc túi người dùng" đã luôn được gán cho nhà Táo.
Thế nhưng, tại sao lại đánh giá những sản phẩm đặc thù này theo cách của một người tiêu dùng thông thường?
Những cuộc tranh cãi nảy lửa trên Facebook và Reddit hay những bài viết, bài đánh giá từ các trang tin công nghệ quốc tế đã luôn bỏ qua một sự thật quan trọng: Apple chưa bao giờ coi người tiêu dùng thông thường là đối tượng mua chân đế giá nghìn đô. Thực tế, Apple cũng không hề coi màn hình Pro Monitor (giá 5.000 USD) hay máy Mac Pro (giá tối đa 55.000 USD) là sản phẩm đại chúng. Đối tượng Apple muốn nhắm tới là người dùng chuyên nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp, những người sẽ coi Mac Pro/Pro Monitor/Pro Stand là công cụ kiếm tiền theo đúng nghĩa của từ "Professional".
Đây là những sản phẩm Pro thực sự chứ không phải là Pro nửa vời như MacBook Pro hay iPhone 11 Pro. Trước khi mang cùng một suy nghĩ dành cho MacBook hay iPhone để áp vào Mac Pro hay Pro Stand, hãy thử nghĩ: Một người tiêu dùng thông thường, chỉ hay chụp ảnh món ăn, thú cưng… để up lên Facebook, liệu chê bai các mẫu DSLR chuyên dụng giá vài nghìn đô của Canon hay Nikon là lố bịch?
Một fan âm nhạc bình thường, nghe nhạc chỉ để giải trí, liệu có nên lớn tiếng cười chê khi thấy Sennheiser hay Beyerdynamic ra mắt những bộ tai nghe, loa, ampli giá vài chục nghìn đô dành cho các producer chuyên nghiệp?
Một tín đồ phim ảnh bình thường, mơ ước về những chiếc OLED giá vài nghìn đô, liệu có nên chê bai Sony lố bịch khi hãng này vẫn đang bán monitor OLED 25 hoặc 31 inch ở mức giá vài CHỤC nghìn đô?
Một game thủ bình thường, chỉ cần máy tính để chơi game – bao gồm cả những tựa game nặng nhất, liệu có nên cảm thấy tức giận khi NVIDIA bán chiếc card Titan V có giá gấp 5 lần 1080 Ti mà khung hình chơi game chẳng cải thiện được bao nhiêu?
Một lần nữa, chúng ta đang nói đến những công cụ mà người dùng chuyên nghiệp cần có/nên có để phục vụ công việc tốt hơn. Mac Pro đã được nhiều người trong số này đón nhận tốt. Trả lời phỏng vấn Apple Insider, kỹ sư trưởng của bộ phận tự động hóa tại Adobe cho biết: "Chúng tôi dùng Mac trong phòng server để thực hiện build Xcode và automated testing" – theo cách này, Adobe có thể tiết kiệm rất nhiều tiền cho các thiết bị cá nhân nhưng cùng lúc vẫn gia tăng hiệu năng làm việc.
Với giới nhiếp ảnh gia, những cỗ máy như Mac Pro cho phép loại bỏ proxy workflow (làm việc trên file cỡ nhỏ rồi mới áp dụng vào file gốc). Riêng Lunar Animation, công ty hiệu ứng từng làm việc cho bộ phim Jumanji hay các tựa game Talking Tom không chỉ ca ngợi Mac Pro mà còn gọi màn hình giá 5000 USD của Apple là chìa khóa "thay đổi cuộc chơi":
"Là một studio nhỏ không có 30 nghìn Bảng để mua monitor, Apple Pro Display XDR cho phép chúng tôi nhìn thành phẩm theo đúng cái cách chúng sẽ được đưa đến khách hàng... Yên tâm được rằng các file sản phẩm của chúng tôi đã được lưu một cách chính xác, chúng tôi sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền để đi thuê các cơ sở bên ngoài thực hiện công việc chỉnh sửa".
Rất nhiều những tên tuổi "Pro" khác đã lên tiếng về giá trị của Mac Pro: Pixar, Autodesk, Unity, Epic Games (Unreal Engine), Universal Audio... Những tình huống sử dụng thực tế được các tên tuổi này nêu ra đơn giản là đã biến tất cả những tranh cãi của "cộng đồng công nghệ" về cấu hình/giá bán, biến những bài đánh giá của các trang tin công nghệ đại chúng trở nên hoàn toàn vô nghĩa: Apple rõ ràng là đang phục vụ tốt nhóm người dùng mà họ nhắm tới khi ra mắt các sản phẩm "Pro" thực thụ.
Mà đã nói đến giới chuyên nghiệp là nói đến những nhu cầu thực dụng nhất. Nếu có thể bằng cách nào đó mua linh kiện Intel hay AMD về tạo ra trải nghiệm tương tự, sẽ không có ai mua Mac Pro rồi đăng đàn khen ngợi cả. Nếu chiếc Dell Ultrasharp có tác dụng tương tự Pro Display, ai sẽ mua màn hình của Táo, ai sẽ mua monitor của Sony, của Canon nữa?
Riêng Pro Stand thì lại khác. Đó vừa là một sản phẩm thực dụng, vừa lại là một sản phẩm... không cần thiết. Thị trường không hề thiếu các mẫu chân đế VESA "tốt" ở khung giá 200 USD. Nhưng Mac Pro giá khởi điểm từ 6000 USD, Pro Monitor có giá 5000 USD: đầu tư thêm 800 USD để mua Pro Stand sẽ chỉ khiến công ty tốn thêm 7% tổng chi phí khi mua Mac Pro, Pro Display cùng chân đế VESA "loại thường". Rõ ràng các công ty sẽ chỉ mua bộ máy Mac cho những nhân viên quan trọng. Ông chủ nào sẽ tiếc 7% chi phí cho các nhân viên quan trọng???
Đó là cách Pro Stand, Mac Pro hay rất nhiều những sản phẩm mang tính chất "thừa thãi" khác biến thành món hời trong thế giới doanh nghiệp. Hãy để ý một chút và bạn sẽ thấy những câu chuyện tương tự là không hề hiếm gặp. Có những công ty công nghệ mua hẳn Macbook Pro hay Surface Pro cho lập trình viên, dù rằng laptop 500 USD (hoặc ít hơn) vẫn có thể dùng để code khá thoải mái. Có những công ty kiểm định khi mua tablet sẽ chọn luôn iPad chứ không mua tablet Android tầm trung hoặc giá rẻ - dù rằng công việc họ cần trên máy tính bảng chỉ là chụp ảnh và nhập liệu trên form. Có những bệnh viện cấp MacBook cho các bác sĩ... check mail và mở công cụ làm việc trên... nền web.
Nhìn ngắn hạn, các công ty bỏ tiền ra mua bán như vậy là phung phí. Nhưng thứ họ nhận lại trong dài hạn quan trọng hơn nhiều: những công cụ đắt tiền sẽ tạo ra trải nghiệm làm việc thoải mái, trau chuốt nhất có thể cho nhân viên. Ví dụ, tại Mỹ, lập trình viên giỏi có thể nhận lương trên 100,000 USD mỗi năm, bác sĩ từ 180,000 USD – giá trị họ mang lại cho tổ chức phải lớn hơn thế.
Nhân viên mới là cỗ máy kiếm tiền chính cho công ty. Đầu tư thêm một nghìn USD cho nhân viên mua laptop xịn thay vì laptop "thường" là cách để các công ty, tổ chức luôn đảm bảo cho các cỗ máy trăm nghìn đô của mình luôn cống hiến ở mức 100% hoặc hơn thế nữa. Đầu tư thêm 800 USD để mua Pro Stand thay cho chân đế VESA thường cũng mang cùng một tính chất.
Cách tính tiền của kế toán doanh nghiệp cũng khuyến khích cách tiêu tiền kiểu này. Những cỗ máy chuyên dụng, và đặc biệt là những cỗ máy có khả năng mở rộng như Mac Pro, sẽ phải được dùng trong vòng ít nhất 5 năm, tương đương với 20 quý tài chính. Nếu mua chân đế VESA giá 200 USD, khấu hao trong một quý tài chính trong suốt vòng đời sản phẩm là 10 USD. Nếu mua Pro Stand, khấu hao một quý là 50 USD. Khoản chênh lệch là 40 USD/quý, quá rẻ nếu như các ông chủ muốn đảm bảo những cỗ máy kiếm tiền của mình – các nhân viên – luôn hoạt động ở "công suất" cao nhất.
Chưa kể, nhiều công ty còn có ngân sách chi hàng năm/hàng quý cho từng bộ phận: các bộ phận này sẽ tìm mọi cách để chi hết khoản tiền ấy. Không phải công ty nào cũng có tiền để chi như vậy, nhưng những công ty không có tiền để chi liệu có nên mảy may quan tâm đến những sản phẩm như Mac Pro?
Đến cuối cùng, Mac Pro, Pro Display hay Pro Stand không phải là những sản phẩm dành cho chúng ta, những người tiêu dùng thông thường. Nói đến 3 sản phẩm gây tranh cãi nhất của nhà Táo trong năm 2019 là nói đến những trải nghiệm, những nhu cầu và cả những tư duy tiền bạc rất khác biệt so với cách chúng ta tiêu xài trong cuộc sống số của riêng mình. Chúng ta mua sản phẩm công nghệ là mua tiêu sản - các công ty công nghệ mua đồ "Pro" là mua tài sản, mua công cụ để tạo ra nguồn thu tương lai.
Bạn có nhìn 1080 Ti và Titan V dưới cùng một góc độ? Bạn có đem so sánh camera của Huawei P30 "Pro" và Nikon D5? Có lẽ là không. Vậy thì tại sao lại đem góc nhìn của một người tiêu dùng ra đánh giá Mac Pro, Pro Display và Pro Stand?