Khoa học viễn tưởng “châm ngòi” cho cuộc chạy đua lên mặt trăng

Năm mươi năm sau cuộc đổ bộ đầu tiên lên Mặt Trăng, một thế hệ các nhà du hành vũ trụ mới đang chạy đua để “xâm chiếm” người hàng xóm gần nhất của chúng ta. Liệu thực tế đang bắt kịp với khoa học viễn tưởng?

Mặt trăng đang nhô cao trở lại trong chân trời tưởng tượng của con người. Năm mươi năm sau khi Neil Armstrong và Buzz Aldrin lần đầu tiên đặt chân đến nơi mà Aldrin gọi là “sự hoang vắng ảo diệu” của mặt trăng, giờ đây, khả năng con người quay lại thăm “người bạn cũ” bụi bặm này cao hơn bao giờ hết kể từ khi chương trình Apollo kết thúc chỉ sau ba năm.

Đội quân robot tiên phong đã được khởi động

Cuối năm ngoái, Ấn Độ đã cố gắng trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh tàu thăm dò trên mặt trăng; trong khi nỗ lực của Israel để đến đó đã thất bại vào tháng Tư năm ngoái, song những người ủng hộ kế hoạch này dự định sẽ thử lại.

Trung Quốc đã đưa hai robot thám hiểm lên mặt trăng trong năm năm qua. Một robot đáp xuống phía gần, đó là phía “khuôn mặt rỗ hoa” quen thuộc nhìn từ Trái Đất; trong khi con robot khác đi đến vùng rộng lớn ở phía xa chưa được khám phá trước đó. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã đề cập việc đưa con người đến đây, có thể vào đầu những năm 2030.

Song những nỗ lực đó có thể bị đánh bại. Bởi năm ngoái, Yusaku Maezawa, một doanh nhân thời trang và cũng là nhà sưu tập nghệ thuật người Nhật Bản, đã ký hợp đồng với SpaceX - công ty tên lửa do Elon Musk thành lập, cho một chuyến bay vòng quanh mặt trăng.

Ông dự định sẽ mang theo một nhóm nghệ sĩ chưa được tiết lộ danh tính. Cơ hội để điều này xảy ra vào năm 2023, theo kế hoạch dự định, là vô cùng nhỏ nhoi; SpaceX vẫn chưa chở được con người bay đến bất cứ đâu.

Tuy nhiên, vẫn có cơ may để điều này xảy ra, ít nhất là ở mức trung bình; vì hầu như đến phút cuối thì SpaceX đều thực hiện được những lời hứa của mình.

Trong khi đó, Jeff Bezos đang chi một phần tài sản mà ông tích lũy được khi làm ông chủ của Amazon cho Blue Origin - công ty không gian đặt mục tiêu vượt mặt SpaceX. Năm ngoái, ông tiết lộ về Blue Moon - tàu đổ bộ được thiết kế để đưa các thiết bị khoa học lên bề mặt mặt trăng. Sau khi được nâng cấp, nó cũng sẽ có khả năng chuyên chở con người lên đó, ông nói.

Khoa học viễn tưởng “châm ngòi” cho cuộc chạy đua lên mặt trăng - 1

Vào ngày 26/3/2019, Phó Chủ tịch Mike Pence nói với một khán giả tại Trung tâm Tên lửa và Vũ trụ Hoa Kỳ ở Huntsville, Alabama: “Người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo lên mặt trăng đều sẽ là phi hành gia Mỹ, được phóng bởi tên lửa Mỹ, từ đất Mỹ.” 

Ông Mike Pence đã thách thức NASA thực hiện sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên mặt trăng đầu tiên vào năm 2024. Một trong những lý do rõ ràng nhất mà ông đưa ra cho cam kết mới này là: Trung Quốc đã “tiết lộ tham vọng chiếm lấy vùng đất chiến lược của mặt trăng.”

Thực tế sắp đuổi kịp khoa học viễn tưởng?

Mặt trăng trong tưởng tượng của chúng ta từ lâu đã truyền cảm hứng cho nỗi sợ hãi, sự phấn khích, lòng kiêu ngạo và tham vọng chính trị - thực tế và huyền thoại, khoa học và khoa học viễn tưởng luôn đan cài vào nhau.

Một số kỹ sư từng tư vấn cho Fritz Lang trong bộ phim của ông năm 1929 mang tên Frau im Mond (Người phụ nữ trên mặt trăng), đã tiếp tục phát triển tên lửa đầu tiên có khả năng vươn tới vũ trụ, V-2 của Đức.

Sau đó, khi họ chuyển đến Huntsville, họ không chỉ mang theo vốn hiểu biết về tên lửa, mà còn cả sự đột phá trong dự đoán nhanh thời gian đếm ngược từng giây trước khi tên lửa được khởi động.

Khoa học viễn tưởng thường được xem như một dự đoán - một tiểu thuyết đặc biệt được mong đợi sẽ trở thành hiện thực. Khoa học viễn tưởng, sau cùng, không chỉ đơn giản là tác phẩm về tương lai; nó là tác phẩm về cú sốc của những khả năng mới, quan điểm mới, về sự siêu việt, bất hòa, phản kháng. Ý tưởng của nó định hình cách nhìn, hiểu và trải nghiệm những công nghệ vị lai rất lâu sau khi những công nghệ này trở thành hiện thực. Nó soi sáng giấc mơ của Musk, Bezos và tất cả những kẻ đang hớt hải lao đến mặt trăng.

Khoa học viễn tưởng “châm ngòi” cho cuộc chạy đua lên mặt trăng - 2

Phi hành gia Apollo 11 Buzz Aldrin trên Mặt trăng năm 1969. Ảnh: Thư viện ảnh Khoa học & Xã hội / SSPL qua Getty Images

Ví dụ về nguồn gốc của “vùng đất chiến lược” mà ông Pence nhắc đến trong bài phát biểu của mình đến từ một trong những tiểu thuyết về mặt trăng đầu tiên được viết sau Thế chiến thứ hai, Rocket Ship Galileo (1947) của Robert Heinlein. Trong sách, một nhà khoa học nguyên tử và nhóm phi hành gia trẻ tuổi của ông phát hiện ra căn cứ của nhóm tàn quân Đức Quốc xã - những người đang nhen nhóm ý định trả thù bằng cách dội mưa hạt nhân xuống Trái đất.

Trong cùng tháng mà cuốn sách của Heinlein được xuất bản, John W Campbell, biên tập viên khoa học viễn tưởng xuất chúng của Mỹ thời đó, cũng xuất bản một bài tiểu luận ông viết chung với bạn của Heinlein - L Ron Hubbard về sự cần thiết để Mỹ là quốc gia đầu tiên xây dựng căn cứ mặt trăng cho tên lửa. Một năm sau, Colliers, một tạp chí thị trường cũng cảnh báo về một “cuộc oanh tạc tên lửa từ mặt trăng”.

Ý tưởng này chiếm ưu thế trong một thập kỷ. “Ai kiểm soát được mặt trăng, sẽ kiểm soát được Trái đất,” General Homer A Boushey (phi công máy bay tên lửa đầu tiên) nói với báo chí Mỹ năm 1958. Không quân Hoa Kỳ đã xem xét khả năng này và tiến hành thử hạt nhân trên bề mặt của mặt trăng.

Điều này đã không xảy ra. Mặc dù chương trình Apollo là một phần quan trọng của chiến lược chiến tranh lạnh, mục tiêu của nó không phải chiếm cứ mặt trăng hay sử dụng nó làm căn cứ tên lửa. Mà chương trình là cuộc trình diễn cho thế giới thấy những nguồn lực khổng lồ mà Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư để phát huy sức mạnh công nghệ của mình.

Tuy nhiên, cuốn Rocket Ship Galileo không chỉ xem mặt trăng là phương tiện để miêu tả về viễn cảnh chiến tranh hạt nhân, mà còn là điềm báo về hậu quả. (Cư dân mặt trăng ... tự hủy hoại bản thân họ. Họ đã có một cuộc chiến nguyên tử quá dữ dội.)

Những viễn cảnh chết người này khiến Arthur C Clarke tranh luận trong Prelude to Space (1947) - một tiểu thuyết về sự chuẩn bị cho sứ mệnh mặt trăng: rằng “uy lực của bom nguyên tử làm việc du hành giữa các hành tinh không chỉ có thể mà còn bắt buộc. Chừng nào còn bị giam cầm trên Trái đất, chừng đó loài người còn bỏ quá nhiều trứng trong một chiếc giỏ mỏng manh.” 

Chính nỗi lo này đã báo trước cho giấc mơ du hành không gian ngày nay. Đặc biệt, như Musk đã nói: chiến tranh, đại dịch, AI nổi loạn thúc giục con người trở thành cư dân đa hành tinh. “Một ông trùm” không gian khác ở Thung lũng Silicon cũng chia sẻ ý định muốn giúp xây dựng căn cứ mặt trăng vì lý do tương tự.

Khoa học viễn tưởng “châm ngòi” cho cuộc chạy đua lên mặt trăng - 3

Hình ảnh được Apollo 8 chụp vào năm 1968. Ảnh: Bill Anders / NASA / HANDOUT / EPA

Và hiện tại, cuộc đua trở lại mặt trăng đang trở nên ngày càng gay gắt. Bây giờ Trung Quốc, hay bất kỳ quốc gia nào khác, có thể đưa phụ nữ hay đàn ông lên mặt trăng mà không tốn nhiều nỗ lực như Hoa Kỳ trong những năm 1960. Đây như một cách để tuyên bố vị thế ngang hàng của mình với một siêu cường đang đi xuống.

Những nỗ lực này cũng sẽ phân tán quyền lực trong tay những cá nhân khác như Bezos hay Musk. Vì giấc mơ nới rộng không gian một khi thành hiện thực sẽ khởi đầu cho sự giàu sang không tưởng tượng nổi. Và là người giàu nhất hành tinh luôn kèm theo những siêu quyền lực của riêng mình.