Khốc liệt "cuộc chiến" bán hàng Apple tại Việt Nam: Có kẻ đã bỏ cuộc chơi

Đã có cửa hàng thông báo dừng hoạt động ngay thời điểm rất nhạy cảm của thị trường kinh doanh sản phẩm Apple chính ngạch.

Sáng 17/5, eDiGi - một trong những đại lý ủy quyền chính thức đầu tiên của Apple tại Việt Nam, đã thông báo ngừng hoạt động. Thông báo này cho biết, họ đã dừng hoạt động từ ngày 28/4.

Thông tin nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới công nghệ. Bởi eDiGi dừng hoạt động ngay đúng thời điểm rất nhạy cảm của thị trường kinh doanh sản phẩm Apple chính ngạch: Thế Giới Di Động vừa tuyên bố cuộc chiến về giá kéo theo đợt biến động lớn trên thị trường iPhone/iPad/MacBook, hay thông tin Apple sẽ mở cửa hàng online tại Việt Nam từ 9h sáng 18/5.

Theo chia sẻ của IPP Group (công ty mẹ của eDiGi), eDiGi buộc phải ngừng hoạt động cửa hàng này do điều kiện thị trường không thuận lợi, cụ thể là nhiều yếu tố như cạnh tranh, nguồn hàng khiến việc kinh doanh sản phẩm Apple không còn hấp dẫn.

Còn nhớ 5 năm trước, eDiGi ra mắt với tham vọng lớn khi thị trường Apple Việt Nam chính hãng còn đang lép vế so với hàng xách tay. Lúc đó, eDiGi được phát triển bởi một trong những doanh nghiệp hàng đầu về hàng hóa xa xỉ tại Việt Nam. Với vị trí trung tâm, đắt đỏ bậc nhất TP.HCM và là cửa hàng đạt cả chuẩn cửa hàng bán lẻ và trung tâm dịch vụ cao cấp nhất của Apple, eDiGi đã gây tiếng vang lớn.

Tuy nhiên, sau 5 năm, eDiGi vẫn chỉ dừng lại ở một địa điểm như vậy. Ngoài những yếu tố liên quan tới vận hành, kinh doanh mang tính chủ quan của đơn vị đứng sau, thì nguyên nhân đóng cửa có thể thấy do người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng lựa chọn những nơi mua hàng với giá bán hợp lý hơn với nhiều dịch vụ linh hoạt hơn. Người tiêu dùng dường như vẫn chưa quen đến các cửa hàng cao cấp của các nhãn hàng.

Như nhận định gần đây của lãnh đạo Thế Giới Di Động, tới nay, các cửa hàng thương hiệu - brandshop vẫn chưa thể thành công tại Việt nam. Trong 1 - 2 năm vừa qua, chúng ta có thể thấy một số nhà bán lẻ đã mở hàng loạt các cửa hàng mono store, lớn có, nhỏ có, phủ tới hơn 100 cửa hàng cũng có, tuy nhiên hầu hết các cửa hàng bán lẻ này vẫn phải cạnh tranh bằng giá rẻ chứ không phải bằng dịch vụ hay duy trì mức giá bán cao như hãng.

Bình luận thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Lạc Huy - đại diện truyền thông của CellphoneS cho rằng, có lẽ sẽ mất thêm nhiều năm nữa để các chuỗi này khiến người dùng có thói quen trải nghiệm, mua sắm tại các cửa hàng brandshop. Hoặc cũng có thể phải chờ tới khi hệ thống giao thông tàu điện và văn hoá tiêu dùng tại trung tâm thương mại được hình thành thì mới có cơ hội thành công cho brandshop.

"CellphoneS cũng đã nhận được nhiều lời mời hợp tác từ các hãng điện thoại để phát triển mô hình mono store trong những năm qua. Tuy nhiên, tới hiện tại, chúng tôi vẫn chưa thấy cơ hội thành công của mô hình này. Thay vào đó, CellphoneS xây dựng mô hình cửa hàng với doanh thu lớn, các mặt hàng đa dạng, chính hãng và cao cấp cho khách hàng dễ dàng lựa chọn. Đồng thời ứng dụng các công nghệ bán lẻ mới nhất để tạo ra những trải nghiệm mua sắm cho khách hàng theo chuẩn mực của các brandshop", ông Huy chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng phòng Makerting 24hStore thì đánh giá: eDiGi từng được biết đến là "vua hàng hiệu" đẳng cấp trong ngành bán lẻ. Nhờ chất lượng sản phẩm và dịch vụ, eDiGi đã xây dựng uy tín, được đánh giá là một thương hiệu hàng đầu, từng hùng hồn tuyên bố có thể dễ dàng hợp tác với các nhà sản xuất lớn như Apple, mở rộng dòng sản phẩm của mình và thu hút khách hàng.

"Tuy nhiên, trong hơn 1 năm nay, kinh tế lao dốc, cơn ác mộng của những đại lý kinh doanh mặt hàng không thiết yếu bắt đầu. Có nhiều yếu tố góp phần đẩy eDiGi cũng như nhiều nhà bán lẻ khác và con đường cuối. Yếu tố rõ ràng nhất là sự cạnh tranh gay gắt về giá khi một ông lớn trong ngành đã khẳng định sẽ khiến những đại lý công nghệ nhỏ lẻ phải "rên xiết". Bên cạnh đó, Apple Store online chuẩn bị xuất hiện tại Việt Nam trong bối cảnh mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến và thuận tiện hơn, khiến cho việc cạnh tranh càng thêm khốc liệt", bà Ánh Hồng nhận định.

Cũng theo vị đại diện 24hStore, mặc dù eDiGi đã cố gắng duy trì bản thân ở đẳng cấp cao và chất lượng sản phẩm chính hãng, họ vẫn không thể vượt qua những thách thức. Ngược lại, để tiếp tục tồn tại và phát triển, 24hStore hiện tận dụng mọi nguồn lực sẵn có, bằng cách tối ưu nhân sự, giảm ngân sách truyền thông, đẩy lượng máy bán bằng cách giảm giá xuống mức thấp nhất có thể, cố gắng thích nghi với xu hướng mua sắm thời đại mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng - nhất là nhu cầu về giá.