Các sự cố tấn công mạng gần đây, bao gồm cả vụ tấn công hệ thống đường ống lớn nhất dành cho các sản phẩm dầu tinh luyện và một trong những nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới ở Hoa Kỳ, như một lời nhắc nhở rằng các quốc gia sẽ phải tiếp tục đối phó với các cuộc tấn công mạng với số lượng ngày càng gia tăng.
Trên toàn cầu, tỉ lệ hệ thống kiểm soát công nghiệp bị tấn công trong nửa cuối của năm 2020 là 33,4%, tăng 0,85 điểm phần trăm so với nửa đầu năm, theo báo cáo của hãng bảo mật Kaspersky.
Theo bà Genie Sugene Gan - Trưởng Bộ phận Đối ngoại và Quan hệ Chính phủ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Kaspersky, đối với tội phạm mạng, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) không nằm ngoài tầm ngắm. Các băng đảng đang đẩy mạnh các chiến dịch của chúng trong khu vực, nơi đang tiếp tục thu hút nhiều đầu tư vào chuỗi cung ứng và kho vận.
"Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia đều có đủ năng lực để đối phó với các mối đe doạ mạng", bà Genie nhìn nhận và nêu giải pháp là phải "nâng cao năng lực bảo mật mạng và xây dựng văn hoá hợp tác giữa các bên liên quan".
Đánh giá thực trạng ở các quốc gia châu Á, bà cho rằng: Nhiều quốc gia đang tích cực cân nhắc về an ninh mạng, trong khi vẫn còn một số quốc gia còn thiếu sót do không được trang bị tốt để tạo cơ hội cho các ý tưởng có tính ứng dụng được hình thành. Do đó, hợp tác khu vực giữa các quốc gia và với ngành công nghiệp là điều cần thiết để giúp nâng cao kiến thức và năng lực.
"Điều đáng lưu ý là chiến lược của mỗi quốc gia phải đủ gắn kết để giúp họ hiểu được đâu là nơi để thu hẹp khoảng cách của chính họ. Các tổ chức khu vực và quốc tế cung cấp các nền tảng bổ sung mà các quốc gia có thể tận dụng", bà gợi ý.
Theo bà Genie, giờ đây, tội phạm mạng đang đẩy mạnh sự tấn công của chúng hơn bao giờ hết. Việc lây nhiễm qua mạng sẽ không biến mất, ngay cả đối với khu vực APAC - nơi mà mối đe dọa cũng đa dạng như cách mà khu vực này đang phát triển. Trong bối cảnh đại dịch và địa chính trị, các tổ chức chính phủ sẽ tiếp tục trở thành mục tiêu đương nhiên cho hàng loạt cuộc tấn công mạng, có thể là gián điệp hoặc các cuộc tấn công có động cơ chính trị.
Theo kinh nghiệm của bà, công thức hiệu quả nhất là liên tục cải thiện nhận thức về bảo mật. Điều này bao gồm sự tham gia với cộng đồng an ninh mạng rộng lớn hơn và các bên liên quan. Để giúp cải thiện khả năng ứng phó sự cố và đảm bảo an toàn và phúc lợi cho công dân, bà khuyến nghị các quốc gia cũng nên liên tục thúc đẩy đào tạo kỹ năng và tăng cường hợp tác.
Chẳng hạn, Việt Nam đã và đang tích cực củng cố các quy định và thiết lập tiêu chuẩn trong toàn Chính phủ và hợp tác với tư nhân. Các biện pháp quan trọng đã thiết lập bao gồm Luật An ninh mạng, các tiêu chuẩn và kế hoạch cho các tổ chức chính phủ và tư nhân.
Một trong những chiến dịch nổi bật tại Việt Nam trong thời gian gần đây là “Rà soát và bóc gỡ mã độc toàn quốc”, được nhà nước phát động vào năm 2020 và được hỗ trợ bởi 18 công ty an ninh mạng trong và ngoài nước, bao gồm cả Kaspersky.