Nhắc đến thời kỳ smartphone bắt đầu lên ngôi, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cuộc chiến "Samsung vs Apple". 2 ông lớn của ngành di động - một kẻ tiên phong thay đổi khái niệm điện thoại di động, một kẻ tiên phong phổ cập smartphone tới mọi người - đã từng lôi nhau ra tòa để quy kết nhau vi phạm quyền sáng tạo. Khi những lời cáo buộc dần chìm vào dĩ vãng, Samsung vẫn giữ vững vị trí số về thị phần, Apple ở vị trí số 2.
Thế rồi, ở đất nước được mệnh danh là công xưởng của thế giới, thế lực thứ 3 xuất hiện. Huawei, một tập đoàn vốn từng "xưng bá" trong lĩnh vực smartphone, đã bứt tốc mạnh mẽ trên lĩnh vực smartphone suốt kể từ 2013 tới nay. Năm 2018, Huawei phế truất vị trí số 2 của Apple và đến năm 2019 thì bỏ xa nhà Táo với khoảng cách 47 triệu máy (Strategy Analytics).
Không có gì khó hiểu khi nhắc đến "đối thủ của Samsung" nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Apple và Huawei. Nhưng, nếu nhìn kỹ hơn, họ sẽ nhận ra rằng kẻ khiến ông lớn phải thực sự lo lắng không phải là 2 kẻ bám đuổi phía sau.
Tại sao ư? Hãy cùng nhìn vào bảng xếp hạng smartphone bán chạy nhất thế giới trong năm vừa qua. Trong danh sách 10 chiếc được Counterpoint kể tên có 5 chiếc smartphone cao cấp, và cả 5 đều mang tên gọi iPhone. Samsung chiếm 4 trên 5 vị trí còn lại, và chiếc đắt nhất trong số này (Galaxy A50) khi ra mắt tại Việt Nam có giá khởi điểm chưa đến 8 triệu đồng.
Nói cách khác, Samsung có thể đã bỏ xa Apple về tổng lượng smartphone bán ra nhưng lại thua thiệt trên phân khúc cao cấp. Ngay cả chiếc A10 có giá khởi điểm không đến 3 triệu đồng cũng có doanh số thấp hơn chiếc iPhone XR (giá 750 USD trong 9 tháng đầu năm) và iPhone 11 (khởi điểm 700 USD). Không một phiên bản Galaxy S10 hay Note10 nào lọt top, và điều đó cũng có nghĩa rằng chúng không đạt nổi doanh số bằng 1/3 iPhone XR trong năm.
Gần như bất kỳ một số liệu nào trong quá khứ cũng đều cho thấy Apple là vua phân khúc cao cấp. Samsung có lẽ thừa hiểu rằng đua tranh với Apple ở phân khúc này chẳng mang lại giá trị gì cả, dù sao gã khổng lồ Hàn Quốc vẫn là ông vua Android không đối thủ. Vì thế, với Galaxy S20, gã khổng lồ Hàn Quốc đã quyết định không ra mắt S10e và khởi điểm S10 "thường" ở mức 1000 USD, đối đầu trực tiếp với iPhone 11 Pro. Quyết định tưởng chừng khá "ngông cuồng" này thực ra lại hoàn toàn hợp lý: nếu đằng nào cũng thua về doanh số, thà rằng đặt giá cao hẳn để thu lợi nhuận tối đa.
Còn Huawei thì sao? Hết năm 2019, khoảng cách giữa Huawei và Samsung đã trở nên nhỏ bé hơn bao giờ hết. Huawei cũng chưa bao giờ giấu tham vọng thay thế Samsung ở vị trí số 1, ngay cả khi đang phải đối mặt với lệnh cấm của nước Mỹ.
Nhưng chính lệnh cấm đó đã thay đổi tất cả: mất quyền hợp tác với Google, smartphone Huawei/Honor không còn được cài đặt các ứng dụng/dịch vụ của Google nữa. Trong khi doanh số tăng trưởng vì "tác dụng ngược" của lệnh cấm, Huawei giờ đang trở nên phụ thuộc vào thị trường quê nhà hơn bao giờ hết khi Trung Quốc chiếm đến 60% doanh số của hãng này. Khi người dùng dần dần nhận ra họ sẽ không thể sống thiếu Gmail, YouTube, Google Search, Google Maps v…v…, thị phần quốc tế của Huawei sẽ tiếp tục bay hơi như những gì vừa xảy ra tại Việt Nam hay Ấn Độ.
Bù lại, Huawei đè bẹp toàn bộ các đối thủ tại Trung Quốc khi nắm giữ thị phần lên tới 35% trong quý 4 vừa qua. Chính điều này khiến cho Samsung chẳng cần phải mảy may lo lắng về Huawei nữa: từ cuối 2017 đến nay, thị phần của gã khổng lồ Hàn Quốc tại Trung Quốc chỉ ở mức trên dưới 1% mà thôi.
Bạn có lẽ đã nhận ra một sự thật thú vị: dù bám đuổi quyết liệt phía sau nhưng cả Apple và Huawei đều khó có thể coi là đối thủ cạnh tranh trực diện của Samsung. Apple một mình bá chủ phân khúc cao cấp, Samsung mạnh ở các phân khúc còn lại. Huawei là bá chủ tại Trung Quốc và cũng bị chặn đường ra quốc tế, Samsung không còn gì tại Trung Quốc và đang giữ vị trí số 1 ở nhiều nước khác.
Vậy thì ai mới xứng đáng khiến Samsung phải đau đầu? Câu trả lời là BBK Electronics, một công ty điện tử từ Quảng Châu, Trung Quốc với rất nhiều thương hiệu con: OPPO, Vivo, OnePlus, Realme và iQoo. Tính tổng cộng, 3 thương hiệu lớn nhất của BBK là OPPO, Vivo và Realme đã bán được tới 259 triệu đơn vị smartphone trong năm 2019 (số liệu Counterpoint). Con số này đưa BBK bỏ xa cả Huawei và Apple, đồng thời tiến rất gần tới mốc 296,5 triệu chiếc của Samsung.
Chỉ duy nhất doanh số thôi thì không đủ để nói BBK đe dọa tới Samsung, nhưng những chiếc smartphone của hãng này lại là đối thủ trực tiếp của Samsung trên mọi phương diện. Ví dụ, ở phân khúc tầm trung và giá thấp, smartphone Samsung lẫn smartphone OPPO, Vivo đều không phá giá cấu hình, thay vào đó khoe camera và trải nghiệm. Ở phân khúc cao cấp, OnePlus có thể coi là thương hiệu Android thường xuyên được đem ra so sánh nhất với Galaxy S, nhất là khi Huawei đã bị trói buộc lại thị trường Trung Quốc còn Xiaomi thì chẳng có gì ngoài cấu hình. Qua các dòng Reno, Find X (OPPO) hay NEX (Vivo) mới được đẩy mạnh quảng bá trong 2 năm gần đây, BBK không giấu diếm tham vọng chiếm dần miếng bánh của Galaxy S và Galaxy Note.
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là tiềm lực. Do chỉ chạy đua cấu hình trên duy nhất một thương hiệu con là Realme, gần như chắc chắn BBK sẽ không phải chấp nhận những chỉ số lợi nhuận "thảm hại" như Xiaomi. Điều này cho phép BBK còn có khả năng tạo ra nhiều bất ngờ trong tương lai, tương tự như những gì hãng này đã làm với Realme và iQoo trong năm qua.
Quan trọng nhất, dù có tiềm lực khổng lồ nhưng BBK không hề bị chính quyền Mỹ kìm kẹp như Huawei hiện tại hay ZTE trước đây. Thị trường nào Samsung có mặt thì OPPO và Vivo cũng sẽ lọt top 5. Thương hiệu con OnePlus thoải mái tung hoành tại Mỹ và châu Âu. Nếu đã tìm mua smartphone Android có dịch vụ Google, người mua sẽ luôn mang Galaxy và một mẫu smartphone nào đó của BBK lên bàn cân.
Bước vào thời đại 5G, cuộc chiến giữa 2 bá chủ thực sự của thị trường smartphone toàn cầu sẽ ngày một gay gắt hơn. Samsung có thể đã đứng vững trước Apple và Huawei, nhưng liệu có thể đánh bại một đối thủ có thể coi là "Samsung của Trung Quốc" như BBK? Hãy cùng chờ xem.