Internet đã trở thành một điều gì đó rất hiển nhiên và bình thường ở các quốc gia phát triển, nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, môi trường Internet vẫn chưa hoàn thiện. Có những quốc gia mà phương thức truyền tải thông tin vẫn chủ yếu qua bộ nhớ USB.
Để giải quyết tình trạng này, Facebook đã phát triển hệ thống máy bay không người lái để phát Wi-Fi tới các vùng hẻo lánh, mang tên Aquila trong nhiều năm. Nó dự định sẽ cung cấp một mạng Internet từ trên không, bằng cách liên tục bay trong tầng bình lưu bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, dự án này phải đối mặt với nhiều thách thức và đã ngừng phát triển vào năm 2018 .
Tuy nhiên, không vì thế mà Facebook từ bỏ nỗ lực "cung cấp Internet cho các vùng trên thế giới không có Internet". Một thử nghiệm về thiết bị bay không người lái mới đã được bắt đầu vào năm 2019. Và vào ngày 13/5 vừa qua, Facebook đã tuyên bố sẽ xây dựng một hệ thống tuyến cáp ngầm lớn dưới đáy biển để cải thiện kết nối Internet ở Châu Phi.
Châu Phi hiện là lục địa ít kết nối nhất, với chỉ hơn một phần tư trong số 1,3 tỷ người được kết nối với Internet. Và dự án cáp ngầm dưới biển lớn nhất thế giới mang tên "2Africa" do Facebook khởi xướng sẽ kết nối 23 quốc gia ở Châu Phi, Châu Âu và Trung Đông, với tổng chiều dài khoảng 37.000 km, gần bằng chu vi Trái đất.
Công suất của nó sẽ gấp ba lần tổng số mạng cáp ngầm được sử dụng ở châu Phi tính đến tháng 5/2020 và sau khi hoàn thành, nó sẽ cung cấp dung lượng Internet cần thiết và tin cậy trên toàn châu Phi. Ngoài ra, nó sẽ bổ sung cho nhu cầu Internet đang tăng nhanh ở Trung Đông, hỗ trợ sự phát triển hơn nữa của 4G, 5G và truy cập băng rộng cho hàng trăm triệu người.
Theo Facebook, cáp ngầm sẽ được xây dựng bởi mạng lưới tàu ngầm Alcatel (thuộc sở hữu của Nokia). Tuy nhiên, số tiền mà Facebook đã đầu tư chưa được tiết lộ. Để tăng dung lượng mạng, hệ thống cáp này cũng sẽ sử dụng sợi dẫn bằng nhôm thay vì đồng.
Facebook cho biết 2Africa là một phần trong kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng mạng trên thế giới của công ty. "Chúng tôi đang xây dựng một tuyến cáp quang dưới biển, thứ sẽ dẫn đầu ngành về quy mô, năng lực và tính linh hoạt. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trên khắp thế giới để xây dựng nó", đại diện Facebook chia sẻ.