Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Liên hiệp quốc, mỗi năm có khoảng 50 triệu tấn chất thải điện tử, nhưng chỉ 20% trong số đó được tái chế. Do đó, nhằm hạn chế chất thải và tăng tính tái sử dụng của các thiết bị như vậy, Samsung đã cho ra mắt chương trình Galaxy Upcycling để nâng cấp hoặc tái sử dụng các thiết bị di động thuộc phân khúc flagship của mình.
Mới đây nhất, Samsung vừa phối hợp với BOM (dự án phòng chống mù lòa) khởi động “Dự án cải thiện chăm sóc sức khỏe nhãn khoa cho cộng đồng thông qua sử dụng hệ thống dữ liệu EyeLike”. Chương trình là một phần của dự án Galaxy Upcycling.
Theo đó, các chuyên gia của Samsung đã tìm cách tái sử dụng các thiết bị di động cao cấp của mình thành một phần của máy chụp ảnh đáy mắt cầm tay thuộc nền tảng EyeLike. Cụ thể là kính soi đáy mắt nâng cấp EyeLike sẽ được kết nối với thiết bị Galaxy để chụp ảnh đáy mắt. Sau đó, thuật toán trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích và tự động chẩn đoán bệnh lý nhãn khoa từ hình ảnh đáy mắt đã chụp. Ứng dụng trên smartphone còn có thể chỉnh sửa thông tin dữ liệu bệnh nhân với độ chuẩn xác cao khi mô tả kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị.
Chương trình lần này là bước khởi đầu cho sự hợp tác toàn cầu của Samsung với các tổ chức phi chính phủ quốc tế chuyên về phòng chống mù lòa và cải thiện chăm sóc sức khỏe nhãn khoa. Trước mắt tại Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa Samsung và BOM sẽ góp phần cải thiện sức khỏe nhãn khoa của bệnh nhân tiểu đường ở tỉnh Tiền Giang.
Kính soi đáy mắt nâng cấp EyeLike được kết nối với thiết bị Galaxy để chụp ảnh đáy mắt.
Ông Kuba Baek - Quản lý cấp cao, Bộ phận Chăm sóc khách hàng của Samsung toàn cầu cho biết: “Việc phát triển thiết bị chẩn đoán sức khỏe nhãn khoa di động xuất phát từ mong muốn giúp cải thiện sức khỏe nhãn khoa cho người dân Việt Nam, đặc biệt là những khu vực ở các vùng miền còn thiếu thốn và khó tiếp cận với các cơ sở y tế, thiếu các thiết bị chẩn đoán sớm giúp ích cho việc điều trị các bệnh về mắt”.
Về hệ thống dữ liệu EyeLike, đây là sản phẩm được hình thành từ cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp cho tương lai" (Samsung Tomorrow Solutions) tổ chức năm 2013. Hệ thống bao gồm 3 phần chính là một máy chụp ảnh đáy mắt cầm tay dễ sử dụng được kết nối với smartphone; ứng dụng smartphone có thể chỉnh sửa thông tin dữ liệu bệnh nhân chuẩn xác khi mô tả kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị; thuật toán nhận dạng mẫu chẩn đoán các bệnh về mắt khác nhau từ hình ảnh đáy mắt chụp được từ thiết bị.
Hệ thống dữ liệu EyeLike giúp tầm soát các căn bệnh có thể gây mù mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng theo độ tuổi (AMD hoặc ARMD) ở cấp độ cộng đồng.