Kinh doanh trên ứng dụng: Cơ hội thu nhập mới cho các căn bếp gia đình

Dịch bệnh Covid-19 có những chuyển biến phức tạp khiến nhiều người rơi vào cảnh mất việc, thu nhập giảm mạnh. Nhiều bà nội trợ đang mày mò lối thoát bằng việc tìm đến các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến.

Chị Mỹ Sang (28 tuổi, Bình Tân, TP HCM), trước đây kinh doanh bánh rán tại trường tiểu học Bình Trị 1, nay rơi vào cảnh thất nghiệp từ khi học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh. Không đành lòng với việc để chồng là tài xế Gojek gánh vác toàn bộ kinh tế gia đình, người phụ nữ 28 tuổi nuôi quyết tâm tự đi tìm một cần câu cơm khác.

Vào tháng 5 vừa qua, chị Mỹ Sang cùng với hàng chục các anh, chị, em khác đã tham gia vào chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2” do hãng xe công nghệ này tổ chức. Chương trình được thực hiện với mục tiêu đào tạo kỹ năng nghề, kiến thức chuyên môn cho gia đình các thành viên trong hệ sinh thái Gojek, đồng thời hỗ trợ họ khởi nghiệp, kinh doanh trên nền tảng online. Thông qua dự án này, Gojek mong muốn tạo ra cơ hội mới mang lại nguồn thu nhập cho những người tham gia, giúp giải quyết bài toán kinh tế trong tình hình khó khăn. 

Kinh doanh trên ứng dụng: Cơ hội thu nhập mới cho các căn bếp gia đình - 1

Trải qua khóa học, các học viên không chỉ được hướng dẫn về việc chọn nguyên liệu, chế biến thực phẩm an toàn, các kỹ thuật nấu ăn, pha chế… mà còn được đào tạo về các kỹ năng lập kế hoạch tài chính, quản lý gian hàng trực tuyến… Những bài học này đã giúp họ tự tin hơn trong quá trình lên kế hoạch kinh doanh cho riêng mình. Sau khoá học, ước mơ về việc tạo ra một gian bếp online, san sẻ gánh nặng kinh tế với người thân trong gia đình không còn xa vời nữa. 

Khóa đào tạo giúp chị Phan Chi, 31 tuổi, đối tác tài xế của Gojek, đến gần hơn với niềm đam mê nấu ăn mà trước đó phải gác lại vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền". Bà mẹ đơn thân của 3 đứa con từng mơ ước được mở một quán cơm nhỏ nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Sau khi tham gia khóa đào tạo, chị trang bị cho mình những kinh nghiệm cần thiết, tự tin hơn khi kinh doanh online. “Sau khóa học này, tôi sẽ bắt tay vào thực hiện mong muốn của mình, để sau này kinh doanh ổn định tôi có thể đón các con lên từ quê lên ở cùng, vì tôi lúc nào cũng muốn được tận tay chăm sóc các bé”, chị Chi nói. 

Kinh doanh trên ứng dụng: Cơ hội thu nhập mới cho các căn bếp gia đình - 2

Chị Phan Chi (áo xanh) tham gia khóa học đào tạo nghề do Gojek tổ chức.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Mỹ Sang cho hay khóa học giúp bản thân thay đổi suy nghĩ trong việc kinh doanh. Từng gặp không ít áp lực vì thất nghiệp trong mùa dịch năm 2020, những gì tiếp thu được từ khóa học lần này giúp chị Sang tự tin hơn với dự định mở một tiệm cơm tấm để kiếm “đồng ra đồng vô". Chị chia sẻ: “Tôi được học về các kỹ thuật nấu ăn cũng như những điều cần thiết khi kinh doanh online. Trước đây, tôi chỉ nghĩ sẽ bán tại quán, ai thích ăn thì mua thôi. Khi học xong tôi mới thấy mình phải kinh doanh online để nhiều người biết đến quán mình hơn, đặc biệt trong lúc giãn cách, khi mọi người chuyển qua mua online thì việc kinh doanh trên nền tảng là một giải pháp hiệu quả”. 

"Cái khó ló cái khôn", đó là câu nói mà các thành viên tham gia khóa học động viên nhau. Được thay phiên thực hành từng khâu trong quy trình chế biến món ăn, các học viên gây bất ngờ vì độ khéo léo, tinh thần ham học hỏi, cũng như rất năng nổ đưa ra nhiều thắc mắc ở buổi học quản lý và tiếp thị gian hàng online. Những học viên đã từng có kinh nghiệm buôn bán còn giúp đỡ tận tình cho các bạn học chưa từng thử khởi nghiệp bao giờ. Sau mỗi buổi học, mọi người hiếm khi về ngay mà đều nán lại để cùng nhau trao đổi về các kiến thức đã học.

Với nhiều chị em phụ nữ, khóa học không chỉ mang về cho họ những kiến thức bổ ích để “làm giàu” mà đây còn là dịp để những người có cùng niềm đam mê nấu nướng được gặp gỡ, giao lưu. Chính điều đó khiến họ đến với chương trình bằng một tâm thế thoải mái, háo hức. Tất cả cùng chung nhận định “kinh doanh online không khó, thậm chí còn nhiều cơ hội hơn, quan trọng là phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt kịp xu hướng mới”.

Chị Công Nữ (49 tuổi) vui mừng cho biết ngay sau khi hoàn thành khoá học, chị đã mở thành công gian hàng trà sữa mang tên “Cô Lúa” trên GoFood hồi đầu tháng 6. Trước đó, chị Nữ chủ yếu làm nội trợ, chăm sóc mẹ già, nguồn thu nhập chính của gia đình đến từ cậu con trai nên cuộc sống cũng bấp bênh. Trở thành học viên của dự án này, chị Nữ thấy vui vì vừa học thêm nhiều công thức nấu ăn, vừa được Gojek hỗ trợ đưa gian hàng lên ứng dụng GoFood. “Tôi đã nghe mọi người nói nhiều về kinh doanh online, ngỡ như rất xa vời nhưng giờ mới thấy quá gần gũi, tiện lợi. Với sự hỗ trợ của GoFood, giờ đây tôi đã sẵn sàng để kinh doanh ngay khi thành phố cho phép buôn bán trở lại”, chị đặt quyết tâm. 

Thời điểm khoá học kết thúc vào cuối tháng 5, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, chia sẻ: “Bằng việc giúp đỡ các cá nhân khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, chúng tôi hướng tới việc trao thêm cho họ cơ hội tăng thu nhập và cải thiện sinh kế đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”.

Khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, giải quyết nỗi lo thất nghiệp mùa dịch từ chính căn bếp tại gia được xem là một hướng đi thức thời. Những ai đam mê nấu nướng và mong muốn kinh doanh khởi nghiệp có thể lên kế hoạch từ bây giờ với sự tiếp sức của nền tảng công nghệ như GoFood. Trong thời gian này, Gojek vẫn tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động trên GoFood của các nhà hàng, quán ăn thông qua hình thức đăng ký online để có thể hỗ trợ các nhà hàng, quán ăn bất kể lớn, nhỏ hay siêu nhỏ hoạt động trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, giúp họ nhanh chóng ổn định lại cuộc sống, tăng thêm thu nhập.

Nhà hàng, quán ăn khi muốn đăng ký hoạt động trên GoFood của Gojek chỉ cần cung cấp thông tin trên trang đăng ký trực tuyến vào bất kỳ lúc nào và hoàn toàn miễn phí. Cửa hàng sau khi gửi hồ sơ trực tuyến có thể hoạt động trên GoFood sau 10-14 ngày làm việc nếu hồ sơ đầy đủ, đáp ứng yêu cầu và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động của các cửa hàng được phép hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Link đăng ký GoFood online tại đây