Kính James Webb tiết lộ hình hài của Mặt Trời khi mới sinh

Tiếp tục là những hình ảnh đáng giá từ vũ trụ bao la được kính viễn vọng không gian James Webb “bắt” được.

Theo BGR, Mặt Trời của chúng ta đã hơn bốn tỷ năm tuổi. Tuy nhiên, nếu có thể quay ngược thời gian và chụp một bức ảnh của nó khi được sinh ra và lớn lên, chúng ta sẽ thấy điều gì đó tương tự như bức ảnh mới nhất mà kính James Webb chụp được về một ngôi sao trẻ nằm trong chòm sao Orion.

Bức ảnh đã mang đến cái nhìn rõ ràng rằng sự ra đời và phát triển sau đó của một ngôi sao là cực kỳ dữ dội, với một lượng sóng xung kích và tia năng lượng được tạo ra như những cú sốc mạnh trong không gian bao la. Ngôi sao mới đã lọt vào ống kính của Webb là một phần của vật thể có tên HH212.

HH212 nằm cách Trái Đất khoảng 1.300 năm ánh sáng và nó rất gần với ba ngôi sao sáng và đẹp tạo nên vành đai của Orion, một chòm sao mang nổi tiếng thường được nhìn thấy trên bầu trời đêm. Bức ảnh của James Webb về ngôi sao trẻ này cho thấy những dòng khí khổng lồ và mạnh mẽ đang giải phóng, các nhà khoa học cho rằng đó có thể được sử dụng để điều chỉnh quá trình hình thành của ngôi sao.

Theo ước tính, tiền sao này khoảng 50.000 năm tuổi. Các nhà khoa học cũng nói rằng Mặt Trời có thể trông rất giống với ngôi sao này khi ở độ tuổi đó. Các tia trong ảnh cũng cho thấy bằng chứng về các cú sốc hình vòng cung, có khả năng giúp ngôi sao không bị quay ngoài tầm kiểm soát và không bay ra xa.

Nhưng bức ảnh không mang đến cái nhìn rõ ràng về ngôi sao trẻ, vì nó nằm ẩn đằng sau một đĩa khí và bụi dày đặc. Nhưng điều đó không ngăn cản sự ngoạn mục của hình ảnh và chứng minh khả năng của James Webb đang thay đổi khoa học mạnh mẽ ra sao bằng những cái nhìn độc đáo về vũ trụ.

Các nhà khoa học cũng đang sử dụng kính viễn vọng này để nghiên cứu những bí ẩn của vũ trụ sơ khai, với hy vọng sẽ làm sáng tỏ về cách vũ trụ phát triển từ xa xưa.