Theo chuyên luận vừa đăng tải trên The Conversation của hai nhà khoa học nghiên cứu ngoại hành tinh và sinh học thiên văn - giáo sư Chris Impey và giáo sư Daniel Apai từ Đại học Arizona - Mỹ, cần có một kính thiên văn cực kỳ mạnh mẽ để phát hiện những thay đổi tinh tế từ ánh sáng đến từ một ngoại hành tinh, và siêu kính viễn vọng James Webb của NASA vừa chứng minh được điều đó.
Các nhà khoa học hợp tác với NASA này cho biết một trong các hình ảnh mà James Webb vừa tiết lộ - quang phổ của hành tinh khí khổng lồ WASP-96b, có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Gã khổng lồ khí cực đoan này khó có thể có sự sống, nhưng chính các dấu hiệu hóa học đến từ ánh sáng của hành tinh cực xa (cách tới 1.150 năm ánh sáng) này đã cho thấy khả năng vượt trội của James Webb. Các dấu hiệu hóa học sẽ tiết lộ một hành tinh có sự sống hay không.
Trong vài tháng tới, Webb sẽ quay gương về phía có TRAPPIST-1, hệ sao có tới 7 hành tinh giống Trái Đất mà các nhà khoa học gần như tin chắc rằng ít nhất 1 cái phải có sự sống, là TRAPPIST-1e, có kich thước bằng Trái Đất và nằm trong vùng sự sống.
Điều thú vị là hành tinh nói trên cách chúng ta chỉ 39 năm ánh sáng, nên nếu nó có sự sống, "Webb siêu đẳng" của NASA thừa sức bắt được các dấu hiệu.
Siêu kính viễn vọng James Webb có khả năng săn sự sống ngoài hành tinh bằng nhiều cách cho dù không được thiết kế cho nhiệm vụ này. Nó làm được, đơn giản vì nó quá mạnh.
Với những hành tinh cực xa như WASP-96b, nó vẫn có thể nghiên cứu hành tinh khi nó đi ngang ngôi sao mẹ bằng cách nắm bắt ánh sáng sao được lọc qua bầu khí quyển của hành tinh đó, từ đó xác định thành phần của bầu khí quyển.
Với các hành tinh gần hơn, Webb càng có thể soi kỹ các thay đổi đối với mức carbon dioxide, mê-tan, hơi nước... trong bầu khí quyển, những tín hiệu mạnh mẽ nhấ của sự sống.
Webb sẽ được trợ lực thêm bằng 3 hệ thống kính viễn vọng mặt đất được thiết kế chuyên về săn tìm cấu trúc sinh học: Kính viễn vọng Magellen Khổng lồ dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2025 ở Chile, Kính viễn vọng "30 Mét" đang xây dựng ở Hawaii và Kính viễn vọng "European Extremely Large" của Đài thiên văn Nam Âu đang triển khai ở Chile.
Kính viễn vọng không gian thường có tầm quan sát rộng sẽ được sử dụng chính cho nhiệm vụ sàng lọc, trong khi kính viễn vọng mặt đất đồ sộ sẽ làm tiếp công việc nghiên cứu chuyên sâu.