Theo BGR, kính viễn vọng James Webb một lần nữa phóng tầm nhìn vào những khoảng không gian sâu nhất của vũ trụ để tạo ra những hình ảnh đầy mê hoặc mà nhân loại chưa từng được chiêm ngưỡng.
Lần này, kính viễn vọng không gian đã chụp được tinh vân Orion, với hình ảnh như một bức tranh đầy màu sắc với những ngôi sao lấp lánh và những đám mây vũ trụ bao la.
Tinh vân Orion từ lâu đã là một trong những vùng không gian được nhân loại nghiên cứu nhiều nhất. Tuy nhiên, giờ đây, James Webb đã mang đến một cái nhìn chi tiết hơn về tinh vân Orion mà chúng ta chưa từng được đưa ra trước đây. Trước đây Hubble và các kính thiên văn khác cũng đã nhiều lần tập trung quan sát Orion, nhưng chỉ cung cấp cái nhìn sơ lược về cảnh tượng của các thiên thể.
Hình ảnh mới của kính James Webb là một phần của sự hợp tác quốc tế, trong đó có các nhà nghiên cứu từ Đại học Western. Hình ảnh ban đầu được chụp bằng thấu kính NIRCam, sau đó được xử lý bằng các bộ lọc và vật liệu tổng hợp khác nhau để tạo ra hình ảnh mà chúng ta đang chiêm ngưỡng.
Tinh vân Orion nằm cách Trái Đất tương đối gần, chỉ 1.350 năm ánh sáng, tinh vân này đã là điểm nghiên cứu của các nhà thiên văn trong nhiều thập kỷ. Giờ đây với James Webb, chúng ta có thể nhìn sâu vào phần trái tim của Orion và thấy được nhiều vệt ánh sáng khác nhau, cũng như các ngôi sao trẻ hình thành bên trong nó.
Hình ảnh của tinh vân Orion từng được kính Hubble chụp được trước đây.
Việc có thể nhìn sâu và chi tiết vào vũ trụ như vậy sẽ mở ra những cánh cửa mới cho quá trình học hỏi và khám phá. Các nhà khoa học đã sử dụng James Webb để phát hiện carbon dioxide trên các hành tinh ngoại, và họ tin rằng gần đây đã tìm thấy một hành tinh ngoại có thể sinh sống được.