Kỷ lục "sốc" của mạng 5G: Tốc độ 10Gbps, phủ sóng rộng hơn 10Km

Đây là những kỷ lục chưa từng có đối với các nhà phát triển, cung cấp dịch vụ mạng 5G.

Trong một buổi trình diễn về tốc độ sử dụng băng tần sóng mm (millimetre Wave - mmWave) 800MHz ở một trạm phát sóng 5G thực tại Úc, Nokia hợp tác cùng Optus đã ghi nhận tốc độ đạt mức kỷ lục 10Gbps. Điều đó cho thấy những khả năng của công nghệ 5G mmWave mới của Nokia, cho phép khách hàng sử dụng mạng di động và mạng cố định không dây tận hưởng dịch vụ tốc độ cao hơn trên mạng Optus.

Cùng với đó, Nokia vừa hợp tác với Qualcomm và UScellular tại Mỹ để đạt được một kỷ lục thế giới về mở rộng phạm vi vùng phủ sóng tới hơn 10km bằng cách sử dụng giải pháp mở rộng vùng phủ sóng mm (mmWave) 5G trên một hạ tầng mạng thương mại. Điều đó sẽ góp phần xóa bỏ "khoảng cách số" và cung cấp dịch vụ 5G đến nhiều khu vực hơn, bao gồm cả các khu vực nông thôn trên toàn nước Mỹ.

Nokia cũng đã hợp tác với nhà cung cấp mạng băng rộng cố định hàng đầu của Bỉ là Proximus để triển khai mạng quang GPON 25G thực tế đầu tiên trên thế giới với tốc độ nhanh nhất. Dựa trên công nghệ và thiết bị quang hiện tại của Nokia, họ đã triển khai mạng cho Proximus đạt tốc độ trên 20Gbps, biến nó trở thành mạng quang nhanh nhất thế giới.

Trên phạm vi toàn cầu, Nokia công bố thông tin về việc công ty nắm giữ vị trí dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế công nghệ 5G theo nghiên cứu về Bằng sáng chế Thiết yếu Tiêu chuẩn (Standard Essential Patents study) do hãng nghiên cứu thị trường độc lập PA Consulting thực hiện. Nghiên cứu đó cho thấy, Nokia đang dẫn đầu về số bằng sáng chế đã được cấp và được các nhà nghiên cứu cho là cần thiết đối với các tiêu chuẩn 5G.

Ngoài ra, Nokia đã hợp tác với Microsoft để giới thiệu các kịch bản sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được triển khai thông qua môi trường điện toán đám mây công cộng. Nhờ đó, các nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc (communications service providers - CSP) có thể ứng dụng AI trong hạ tầng mạng của mình với tốc độ nhanh hơn tới 9 lần so với khi sử dụng một môi trường điện toán đám mây riêng và mở rộng trên phạm vi toàn mạng.