Ở nhiều thập kỷ trước, các nhiếp ảnh gia thường phải xử lý hình ảnh bằng phim, lựa chọn ống kính, lập khung hình và thay đổi phòng tối. Giờ đây, với Photoshop, khả năng xử lý hình ảnh trên điện thoại thông minh và AI - Trí tuệ nhân tạo đã khiến mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng, đơn giản hơn.
Ngày nay, nhiều người đang đặt ra câu hỏi có bao nhiêu sự thật trong một bức ảnh khi chúng được chỉnh sửa quá nhiều.
Khi ra mắt vào tháng 9, iPhone 15 đã áp dụng công nghệ xử lý đa tầng trong xử lý hình ảnh. Trước đó, điện thoại Samsung đã chụp được hình ảnh mặt trăng và thực hiện những sửa đổi lớn để cố gắng thể hiện điều đó. Mới đây, Pixel 8 Pro cũng đã có Magic Editor để loại bỏ những người không mong muốn khỏi nền ảnh,...
Nhiếp ảnh kỹ thuật số: Từ ánh sáng đến JPEG
Thực tế, máy ảnh không thể ghi lại được sự thật khách quan của một số cảnh. Mỗi bức ảnh là sản phẩm của quá trình xử lý kỹ thuật số, được các kỹ sư đưa ra nhằm cố gắng tạo ra những bức ảnh tối ưu.
Quy trình chụp ảnh ảnh kỹ thuật số như sau:
Chip xử lý hình ảnh sẽ chuyển đổi ánh sáng thành dữ liệu pixel. Mỗi pixel có thể chụp được màu đỏ, xanh lá cây hoặc xanh lam. Mỗi pixel phải có các thành phần của cả ba màu. Thuật toán "demosaicking" sẽ dự đoán về dữ liệu màu bị thiếu.
Sơ đồ về pixel trong cảm biến của iPhone 15 Pro.
Demosaicking đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, được cải tiến dần dần để giải quyết các tình huống khó chụp như rối tóc hoặc các mẫu vải.
Và việc demosaicking thậm chí còn trở nên phức tạp hơn với công nghệ gộp pixel - nhóm các mảng pixel 2x2, 3x3 hoặc thậm chí 4x4 lại với nhau thành các pixel ảo lớn hơn. Điện thoại Google Pixel sẽ lấp đầy các mảng pixel lớn hơn này để tạo ra chi tiết mịn hơn, sau đó khử nhiễu chúng để tạo ra ảnh có độ phân giải cao. Nếu chụp ảnh 50 megapixel trên iPhone 14 hoặc iPhone 15 Pro, điều tương tự cũng xảy ra.
Galaxy S23 Ultra của Samsung khi tạo ra những bức ảnh 200 megapixel từ cảm biến còn tiến xa hơn nữa. Điện thoại sử dụng thuật toán AI để biến các mảng màu đồng nhất 4×4 pixel thành 16 pixel riêng lẻ, mỗi pixel có thông tin màu đỏ, lục và lam.
Kích thước pixel trên cảm biến hình ảnh càng nhỏ, khả năng phân biệt giữa chi tiết và nhiễu càng kém, đồng thời việc xử lý các cảnh có cả vùng tối và vùng sáng càng kém. Đó là lý do khiến điện thoại thông minh ngày nay kết hợp nhiều khung hình – lên tới 15 khung hình trong trường hợp công nghệ HDR của Pixel 8 Pro – vào một bức ảnh.
Ảnh minh hoạ.
Việc xếp chồng nhiều khung hình cho phép máy ảnh xử lý chi tiết bóng tốt hơn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc một bức ảnh là sự tổng hợp của nhiều khoảnh khắc.
Ngoài ra, máy ảnh còn đưa ra các giả định về mức độ làm sắc nét các cạnh, tăng độ tương phản, tăng độ bão hòa màu, giảm nhiễu và nén tệp để chúng chiếm ít dung lượng lưu trữ hơn. Màu sắc sống động, tươi sáng có thể làm cho bức ảnh trở nên hấp dẫn hơn. Tính năng log fomat video của iPhone 15 Pro chính là thứ giúp camera đem lại hình ảnh đẹp mắt.
AI được đào tạo để nhận dạng các mẫu dữ liệu có trong thế giới thực, một công nghệ xử lý ảnh mạnh mẽ hơn đáng kể so với các phương pháp trước đây như phân tích toán học hình ảnh để phát hiện các cạnh. AI có thể giúp máy ảnh lấy nét vào mắt chim hoặc giúp điện thoại thông minh đảm bảo khuôn mặt đủ sáng trong ảnh. Đồng thời, AI cũng có thể tái tạo các mẫu có vấn đề trong dữ liệu, chẳng hạn như tất cả hoa hồng phải có màu đỏ tươi.
Google đã thiết kế bộ xử lý điện thoại thông minh Tensor, giúp tăng tốc các tác vụ AI như xử lý hình ảnh, sử dụng AI khi chụp ảnh. Khi đó, camera sẽ nhanh chóng quyết định xem một bức ảnh có người trong đó hay không và đưa đến các quy trình xử lý được tăng cường AI khác nhau.
Sự diễn giải của con người được tích hợp vào ảnh
Màu sắc là điều đặc biệt quan trọng đối với quá trình xử lý ảnh tự động của máy ảnh. Cuộc tranh luận nổi tiếng trên Internet về việc chiếc váy có màu trắng - vàng hay đen - xanh cho thấy việc giải thích màu sắc của cảnh khó đến mức nào.
Những bức ảnh ngoạn mục từ Kính viễn vọng Không gian James Webb là sự diễn giải của con người về các lớp dữ liệu ánh sáng khác nhau, bao gồm cả ánh sáng hồng ngoại được chuyển sang màu sắc mà mắt chúng ta có thể nhìn thấy.
Ảnh minh hoạ.
Khi ảnh bị nhiễu bởi cảm biến hình ảnh hoặc bị âm u, công nghệ HDR (dải nhạy sáng cao cao) - hiện được tích hợp vào mọi điện thoại thông minh sẽ kết hợp nhiều khung hình thành một ảnh, đưa ra hình ảnh tốt nhất.
Google đã dành nhiều năm để điều chỉnh màu sắc và độ phơi sáng để cải thiện khả năng này. Do đó, smartphone đang cố gắng tạo ra chính xác những gì người dùng muốn.
Xử lý bao nhiêu là đủ?
Photoshop, AI tổng quát và công nghệ chỉnh sửa hình ảnh khác có thể chụp được một bức ảnh đẹp vượt xa máy ảnh.
Google đã tiến xa nhất với các công cụ chỉnh sửa được hỗ trợ bởi AI như Magic Editor mới. Tính năng này cho phép người dùng chạm vào mọi đối tượng để xóa, phóng to hoặc di chuyển đối tượng xung quanh một cảnh. AI sáng tạo có thể lấp đầy những khoảng trống, chỉnh sửa bầu trời hoặc cách điệu hóa những bức ảnh với tông màu và tâm trạng hoàn toàn mới.
Ảnh minh hoạ.
Những sửa đổi này đã có từ lâu trên Photoshop và các trình chỉnh sửa hình ảnh khác nhưng AI khiến chúng trở nên dễ dàng hơn và việc Google đưa chúng vào ứng dụng Google Photos giúp hàng triệu người dễ dàng tiếp cận chúng.
Mặt khác, điều này cũng dấy lên sự lo lắng rằng AI của Google "làm mờ ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng".
AI đang ở thời kỳ hoàng kim
Khi ra mắt, Galaxy S23 Ultra của Samsung đã gây ấn tượng với khả năng chụp mặt trăng nhờ camera zoom 10x với khả năng xử lý hình ảnh được hỗ trợ bởi AI.
Tuy nhiên, các nhà điều tra đã phát hiện ra mức độ nâng cao hình ảnh đáng ngờ.
Samsung đã lên tiếng phủ nhận việc sao chép một bức ảnh mặt trăng có độ phân giải cao hơn. Thay vào đó, tất cả bắt nguồn từ nỗ lực của camera để phát hiện các chi tiết.
Công ty cho hay:
"Toàn bộ vật thể được nhận dạng là mặt trăng sẽ được xử lý tùy theo thông tin từ mỗi pixel - là nhiễu hay thành phần kết cấu mặt trăng. Trong quy trình này, AI sẽ nhận dạng và vá các pixel nhiễu. Samsung đang nỗ lực cải thiện Trình tối ưu hóa cảnh để giảm "sự nhầm lẫn có thể xảy ra giữa ảnh chụp mặt trăng thật và hình ảnh thật của mặt trăng".
Giờ đây, AI có thể được sử dụng để xác định các phần của hình ảnh giống như cách con người làm. AI có thể xác định chính xác tóc, khuôn mặt, bầu trời và các chủ đề khác. Google Photos chỉ là một trong số rất nhiều công cụ.
Lightroom và Photoshop của Adobe cung cấp các công cụ AI mở rộng để giảm nhiễu, chọn những người cụ thể hoặc thậm chí chỉ một phần của vật thể để xóa hoặc thay thế.
Luminar Neo của Skylum là phần mềm chỉnh sửa hình ảnh sử dụng AI, cho phép các nhiếp ảnh gia thay đổi bầu trời, thêm sương mù,… giúp thay đổi đáng kể các bức ảnh. Tiếp đó, người dùng có thể tổng hợp các chủ đề và hình nền hoàn toàn mới bằng các công cụ AI tổng hợp như Dall-E, Midjourney và Adobe Firefly.
Cẩn thận với hình ảnh trên mạng xã hội
Mọi thứ thay đổi đáng kể khi chia sẻ ảnh giữa những người lạ. Đó là lý do tại sao những bức ảnh trên mạng xã hội trở nên lung linh hơn rất nhiều.
Nhà phân tích Ed Lee của Rise Above Research cho biết:
“Những người đăng bài trên mạng xã hội - đó không phải là cuộc sống thực sự của họ. Đó là cuộc sống mà họ muốn người khác nhìn nhận”.
Nói cách khác, những hình ảnh trên mạng xã hội hoàn toàn có thể qua chỉnh sửa hoặc nghiêm trọng hơn, chúng không phản ánh đúng sự thật.
Thậm chí, AI còn làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Deepfakes – video hoặc hình ảnh có thể tái tạo một cách thuyết phục những người nổi tiếng, chính trị gia, thậm chí là bạn học – đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Và mạng xã hội là nơi chúng lan rộng.
Deepfake (Ảnh minh hoạ).
Một số công cụ, như Dall-E của OpenAI và Firefly của Adobe cũng đã cấm hành vi tạo hình ảnh với những người nổi tiếng và chính trị gia nổi tiếng. Nhưng hiện nay, nhiều mô hình AI nguồn mở có thể vượt qua những hạn chế đó.
Tạo niềm tin vào những bức ảnh
Cũng như thư rác, phần mềm độc hại và các hình thức lạm dụng máy tính khác, rất khó để ngăn chặn những kẻ xấu tạo ra những bức ảnh gây hiểu lầm.
Những bức ảnh thực tế đóng vai trò quan trọng đối với các tình huống như phóng sự ảnh, ảnh hiện trường vụ án,...
Được thành lập bởi Adobe, Liên minh xác minh chống thông tin sai lệch (C2PA) đang phát triển công nghệ xác thực nội dung và Sáng kiến Xác thực Nội dung (CAI).
Các công ty liên quan bao gồm các nhà sản xuất máy ảnh như: Canon, Nikon và Sony; các đơn vị truyền thông như BBC, The Associated Press, The Wall Street Journal và The New York Times; các nhà thiết kế chip như Arm và Intel; và các công ty công nghệ như Microsoft, Fastly và Akamai..
Santiago Lyon, người ủng hộ chính cho CAI tại Adobe cho biết:
“Chúng tôi tin rằng câu trả lời cho việc chống lại thông tin sai lệch là tăng cường sự tin cậy và minh bạch. Thay vì cho rằng mọi thứ là giả, hãy cho mọi người cơ hội thể hiện tác phẩm của mình để họ có thể chứng minh điều gì là thật."
Công nghệ CAI xây dựng nhật ký theo dõi các thay đổi đối với ảnh, chẳng hạn như tăng độ sáng, làm mịn da của đối tượng hoặc kết hợp.
Vào tháng 10 vừa qua, Leica đã công bố chiếc máy ảnh đầu tiên - M11-P có thể ghi thông tin xác thực nội dung trực tiếp vào tệp ảnh tại thời điểm chụp. Vào tháng 11, Sony đã công bố máy ảnh A9 III hỗ trợ thông tin xác thực C2PA.
Làm gì trước những hình ảnh giả mạo?
Đã đến lúc bạn nên xem xét các hình ảnh một cách cẩn thận trước khi tin tưởng hoặc chia sẻ chúng. Hãy tìm ra nguồn gốc phát tán hình ảnh và xác thực thông tin trước khi sử dụng chúng. Điều này đặc biệt quan trọng với những bức ảnh gây sốc, xúc động mạnh hoặc thái quá trên mạng xã hội. Hãy cân nhắc sử dụng chúng cho ảnh có giá trị tài liệu.
Khi phát hiện ra các hình ảnh giả mạo, hãy báo cáo/ gửi khiếu nại với các trang mạng xã hội và các cơ quan quản lý chúng để ngăn chặn thông tin sai lệch và giả mạo.