Lại câu chuyện sạc nhanh trên smartphone, biện pháp tình thế hay giải pháp tối ưu?

Đến cả một hãng bảo thủ như Apple cuối cùng đã phải tích hợp công suất sạc lên đến 20W cho thiết bị smartphone của mình.

Thời lượng pin đã luôn là một vấn đề gây đau đầu kể từ thuở sơ khai của smartphone. Các nhà sản xuất thì luôn loay hoay trong việc làm sao để tạo ra một chiếc điện thoại với thời lượng pin khủng, đáp ứng nhu cầu khách hàng, có một số mãi vẫn chả tìm thấy câu trả lời, điển hình là Samsung. Người dùng thì vẫn luôn tìm mọi cách để làm sao có thể sử dụng một lần sạc của mình một cách hiệu quả nhất như tắt các kết nối, sử dụng chế độ tiết kiệm pin...

Lại câu chuyện sạc nhanh trên smartphone, biện pháp tình thế hay giải pháp tối ưu? - Ảnh 1.

Pin được xem là công nghệ có tốc độ phát triển chậm nhất trên smartphone

Có một thực tế, là công nghệ pin của nhân loại đã và đang giậm chân tại chỗ được ngót 20 năm, tức là trong suốt khoảng thời gian 1/3 đời người đó, chúng ta vẫn chưa hề có một bước nhảy vọt nào về công nghệ này.

Mãi cho đến những năm 2010, khi những chiếc smartphone bắt đầu ngày càng lớn hơn, chứa trong mình một viên pin với dung lượng khủng hơn, thì một biện pháp mang tính tạm thời ra đời, đó chính là sạc nhanh. Ở thời điểm hiện tại, với công suất sạc có dây tức thời đã lên đến 125W (VOOC của OPPO), người dùng hoàn toàn có thể nạp đầy viên pin 4.000mAh trong chưa đầy 1 tiếng!

Nhưng có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các công nghệ sạc nhanh này, rằng nó sẽ khiến pin chai nhanh hơn, sẽ dễ gây ra các tai nạn cháy nổ hơn các phương pháp sạc điện thông thường. Vậy đâu mới là sự thật?

Công nghệ pin trên smartphone hiện đại

Ở thời điểm hiện tại, pin trên hầu hết các thiết bị smartphone đều sử dụng công nghệ Lithium-ion với đặc tính là nhỏ gọn và dung lượng cao. Tuy nhiên, đây là một loại pin hoá học và tích điện bằng ion nên dễ hiểu khi nó sẽ có tuổi thọ giảm dần theo thời gian, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng này có thể là do sự oxy hoá điện cực hoặc các ion bên trong pin dẫn đến việc bị mất dung lượng.

Lại câu chuyện sạc nhanh trên smartphone, biện pháp tình thế hay giải pháp tối ưu? - Ảnh 2.

Pin Lithium-ion sẽ mất dung lượng một cách hoàn toàn tự nhiên

Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên, cho dù bạn có mua một chiếc điện thoại mới cứng về và cất tủ đi chăng nữa, pin của nó vẫn sẽ bị "chai" đi thôi. Điều duy nhất mà người dùng có thể chủ động đó là đừng để chiếc smartphone của mình quá nóng, sẽ rất có ích để kéo giảm tốc độ oxy hoá đấy. Nhưng câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi người dùng tiến hành sạc pin, lúc này nhiệt độ máy sẽ tăng khá đáng kể và với dòng sạc càng lớn, máy sẽ càng nóng hơn, điều này dẫn thẳng tới những mặt lợi và hại của sạc nhanh.

Sạc nhanh, ưu và nhược điểm

Công nghệ nạp điện tích cực này mang đến cho chúng ta một ưu điểm duy nhất đó là tiết kiệm được thời gian chờ thiết bị sạc đầy. Với công suất sạc lên đến hơn 100W, lớn hơn cả một chiếc MacBook, thì việc người dùng chỉ cần 15 phút để có hơn 50% pin là chuyện vô cùng bình thường.

Lại câu chuyện sạc nhanh trên smartphone, biện pháp tình thế hay giải pháp tối ưu? - Ảnh 4.

Sạc nhanh Super VOOC của OPPO cho công suất lên đến 125W

Nhưng sạc nhanh tức là chúng ta đưa điện vào viên pin một cách nhanh chóng hơn bình thường, điều này đồng nghĩa với việc những áp lực lên phần cơ học lẫn hoá học của pin cũng từ đó mà tăng theo, đó là còn chưa kể đến nhiệt độ mà quá trình này phát sinh.

Vì vậy, dù cho có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng các nhà sản xuất smartphone đều phải tuân thủ một quy tắc bất di bất dịch trong quá trình phát triển công nghệ này đó là không đẩy dòng hoặc áp quá lớn tại các điểm pin chịu áp lực cao (ở đây là dưới 10% và giữa 90-100%) và cũng phải đặt các cảm biến nhiệt độ đủ nhạy để giảm dòng sạc mỗi khi thiết bị hoặc pin có hiện tượng quá nhiệt.

Tóm lại là?

Với tất cả những điểm đã liệt kê ở trên, bản thân tác giả nghĩ người dùng không cần quá lo lắng về vấn đề sạc nhanh trên smartphone vì các lý do sau.

Lại câu chuyện sạc nhanh trên smartphone, biện pháp tình thế hay giải pháp tối ưu? - Ảnh 5.

Nên nhớ nhiệt độ mới là kẻ thù của pin chứ không phải là quá trình sạc

Thứ nhất là pin của bạn vẫn sẽ bắt đầu "chai" đi sau 2-3 năm sử dụng liên tục và không có cách nào để bạn có thể ngăn hiện tượng này xảy ra cả.

Thứ hai, sự tiện dụng của sạc nhanh giúp người dùng có thể chủ động được thiết bị của mình trong các trường hợp cần kíp. Một viên pin đạt được hơn 50% chỉ sau 15 phút sạc sẽ cho cảm giác yên tâm hơn rất nhiều nếu có chỉ mới vươn qua khỏi mức pin yếu một chút đúng không?

Thứ ba, các nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ lưỡng về các trường hợp cháy nổ hoặc quá nhiệt rồi, vậy nên đừng quá lo lắng nữa nhé.

Nguồn: Tổng hợp