Tình trạng tắc nghẽn giao thông được hiển thị trong Google Maps với 3 màu chủ yếu: Xanh lục, cam và đỏ. Màu xanh lá cây thể hiện giao thông đang hoạt động bình thường, không bị ách tắc. Màu cam thể hiện giao thông tại khu vực đó có dấu hiệu ùn ứ và màu đỏ thể hiện tuyến phố đang trong tình trạng tắc đường. Màu càng đậm, giao thông tại khu vực đó càng tắc.
Cuối những năm 2000, Google thu thập dữ liệu từ các máy cảm biến và camera giao thông được đặt bởi các công ty tư nhân và bộ giao thông vận tải các nước. Những dữ liệu này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả Google Maps. Tuy nhiên, Google đã ngừng lấy dữ liệu theo cách này.
Đại diện từ Google cho biết, dữ liệu giao thông được lấy từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm từ bộ giao thông vận tải các nước và nhà cung cấp dữ liệu tư nhân. Tuy nhiên, đó không phải nguồn dữ liệu duy nhất. “Người dùng Google Maps cũng có nhiều đóng góp vào kho dữ liệu này mà họ không hề biết là họ đang giúp chúng tôi”, đại diện Google chia sẻ thêm.
Google cũng sử dụng dữ liệu lịch sử như một phần của phương trình. Nó có thể chỉ ra thời gian trung bình để đi một quãng đường nào đó vào những thời điểm cụ thể trong ngày. Đây cũng là công thức Google Maps sử dụng để cho biết mức độ đông đúc của một cửa hàng tại một thời điểm nào đó.
Bà Amanda Leicht Moore, Giám đốc sản phẩm của Google Maps, chia sẻ: "Dữ liệu lịch sử cho phép ứng dụng thông báo tới người dùng nếu giao thông trên tuyến đường của họ tốt hơn hay tệ hơn bình thường và họ sẽ bị chậm lại bao lâu".
Khi người dùng tìm đường đi, Google Maps sẽ đưa ra những tuyến đường thay thế trong trường hợp tắc đường hoặc thông báo về tình hình giao thông không mong muốn. Ứng dụng Google Maps trên Android và iOS sẽ liên tục gửi dữ liệu giao thông theo thời gian thực cho Google. Dữ liệu từ các điện thoại thông minh trong cùng một khu vực sẽ được so sánh với nhau. Số lượng người dùng Google Maps trong khu vực càng đông thì dự đoán về tình hình giao thông càng chính xác.
Một nguồn dữ liệu về giao thông khác được sử dụng là người dùng ứng dụng Waze. Ứng dụng này được Google mua lại vào năm 2013 với giá 1 tỷ USD. Người dùng sẽ đưa các thông tin về tai nạn và tình hình giao thông trên các tuyến đường lên ứng dụng và Google sẽ sử dụng những thông tin này để đưa ra những cập nhật chính xác nhất.
Theo How-To Geek, Google đã thu thập đủ dữ liệu kể từ khi ra mắt để có thể dự đoán tình hình giao thông trên bất kỳ con đường nào vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Vì vậy, càng nhiều người sử dụng Google Maps thì Google càng có thể đọc chính xác tình hình giao thông thông qua vị trí thời gian thực của người dùng.
Nhìn chung, người dùng Google Maps trên khắp thế giới đang đóng góp dữ liệu để giúp mọi người tránh gặp phải ách tắc giao thông. Mọi người có thể đã đóng góp mà không hề hay biết. Nếu không muốn chia sẻ dữ liệu này, người dùng có thể tắt tính năng theo dõi vị trí của mình trên Android và iPhone.
Tham khảo: How-To Geek, Gadgets360