Khi "cách ly xã hội" trở thành chìa khóa tất yếu để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, làm việc tại nhà cũng đã trở thành phương thức mà các công ty buộc phải hỗ trợ để duy trì hoạt động trong thời dịch bệnh.
Khi PC bị thay thế
Để có thể làm việc tại nhà, nhu cầu tất yếu là nhân viên cần có một chiếc máy tính cá nhân. Vấn đề là ở chỗ, số người sở hữu một chiếc PC truyền thống (laptop và desktop) ngày nay có lẽ đã suy giảm nhiều so với những năm trước. Theo số liệu của Gartner, phải đến tận 2019 thị trường PC mới quay đầu tăng trưởng ở mức vỏn vẹn 0,6%. Đây là lần đầu tiên thị trường này không suy giảm kể từ 2011 tới nay.
Tablet và smartphone đã thay thế PC ở vai trò thiết bị cá nhân cho các tác vụ đơn giản, thường nhật.
Không khó để nhìn ra thủ phạm đã đẩy ngành công nghiệp PC vào tình cảnh khốn đốn: smartphone và tablet. Do nhu cầu điện toán của phần lớn người dùng chỉ dừng ở các tác vụ căn bản như lướt web, gọi/nhắn tin và giải trí, các thiết bị di động nhỏ gọn đã phế truất phần lớn PC để trở thành loại thiết bị "cá nhân" nhất, được sử dụng nhiều nhất. Android phế ngôi hệ điều hành phổ biến nhất hành tinh của Windows từ 2017, và trong năm vừa qua, tổng lượng smartphone/tablet xuất xưởng cao gấp 5 lần PC.
Còn PC từ chỗ là thiết bị "cá nhân" bao trọn cuộc sống số của người dùng nay đã dần trở thành biểu tượng cho công việc. Thực tế, lý do lớn nhất giúp cho thị trường PC tăng trưởng trong năm vừa qua là do các công ty buộc phải nâng cấp từ Windows 7 lên Windows 10 trước khi Microsoft khai tử phiên bản cũ (IDC). Khi các công ty đều đã cung cấp máy tính cho công việc của nhân viên, và khi mỗi nhân viên khi về nhà đều đã có một chiếc máy khác để thư giãn, nhu cầu PC tất yếu suy giảm.
Loại thiết bị đa năng nhất
Yêu cầu cách ly xã hội bỗng chốc đã đưa nhu cầu điện toán trở về quá khứ: thiết bị cá nhân vừa phải dùng được cho giải trí, vừa phục vụ tốt cho công việc. Với nhu cầu này, smartphone bỗng dưng yếu thế. Ngay cả những chiếc smartphone có màn hình lớn nhất cũng có diện tích hiển thị thực tế chỉ bằng khoảng 1/4 hoặc 1/5 so với laptop cỡ nhỏ (11-12 inch).
Smartphone sẽ không bao giờ trở thành những cỗ máy làm việc hiệu quả.
Quan trọng hơn, các hệ điều hành smartphone rất hạn chế trong việc hỗ trợ chuột/bàn phím, vốn là các công cụ bắt buộc phải có trong công việc. Các nhà sản xuất điện thoại đã từng cố gắng biến smartphone thành một cỗ máy có thể tích hợp thêm chế độ PC (như Samsung và DeX), song đến nay các nỗ lực này có thể coi là thất bại. Không còn nhà sản xuất lớn nào phát triển trải nghiệm PC mở rộng từ smartphone cả.
Nhưng ở phía ngược lại, với những người dùng phổ thông đã từ lâu không cần đến PC tại gia, một chiếc laptop hay desktop cũng sẽ mang đến những vấn đề riêng. Vấn đề đầu tiên là kinh phí: liệu người dùng có nên đầu tư cho một cỗ máy chỉ thực sự hữu ích trong hoàn cảnh hiện tại - và thừa thãi khi dịch bệnh chấm dứt? Vấn đề thứ hai là hoàn cảnh sử dụng: không phải ai cũng có thể dễ dàng tạo ra một không gian thoải mái để sử dụng PC truyền thống trong căn nhà.
Những thiết bị để làm việc
Bởi thế, hoàn cảnh đặc biệt do Covid-19 sinh ra có thể là đòn bẩy bất ngờ cho một loại thiết bị ít được nhắc đến: tablet "lai", như iPad Pro của Apple và Surface của Microsoft. nhờ là tablet, chúng có thể đóng vai trò giải trí giống như bất kỳ chiếc tablet "thường" nào trước đây. Quan trọng hơn, với kiểu dáng mỏng nhẹ bằng một nửa laptop, chúng đảm nhiệm tốt vai trò PC ở mọi lúc mọi nơi: trên ghế salon, ngoài ban công, thậm chí là cả… trên giường. So với PC để bàn và cả laptop, tablet lai đơn giản là tiện dụng hơn hẳn về độ tiện lợi.
Dĩ nhiên, iPad Pro và Surface Pro khó có thể thực hiện các tác vụ điện toán nặng ký. Song, xu thế điện toán đám mây của những năm vừa qua đã giải quyết được vấn đề này cho phần đông người dùng: các công cụ làm việc dạng bảng biểu đều đã được đưa "lên mây". Các cỗ máy chỉ cần đóng vai trò là thiết bị "cầu nối" giữa người dùng và đám mây. Miễn là có trình duyệt, miễn là có bàn phím, chuột (và bút) tốt, tablet lai đã trở thành chiếc PC hoàn hảo để làm việc tại nhà.
"Tablet lai": Những cỗ máy cho phép làm việc mọi lúc mọi nơi...
Và cùng lúc cũng vẫn là những thiết bị siêu tiện dụng cho cuộc sống số cá nhân.
Đây có lẽ cũng chính là tầm nhìn được Microsoft đã theo đuổi khi khai sinh khái niệm tablet "biến hình" hơn 7 năm trước. Và đây cũng chính là hướng đi của Apple khi liên tục gọi iPad là "PC replacement" (thiết bị thay thế cho PC) kể từ khi vén màn dòng tablet này vào năm 2014. Chỉ tiếc rằng, cho đến tận 2020, doanh số Surface Pro hay iPad Pro chưa bao giờ cao đến mức đáng kể. Với smartphone và với PC tại doanh nghiệp, người dùng tiêu chưa bao giờ thực sự phải tìm cho mình những cỗ máy làm việc mỏng gọn nhất có thể.
Covid-19 đã thay đổi tất cả. Lần đầu tiên kể từ khi chiếc IBM PC mở đầu trào lưu điện toán cá nhân vào thập niên 80, người tiêu dùng trên toàn cầu đã phải tính đến chuyện tìm PC làm việc tại nhà. Liệu hoàn cảnh đặc biệt này có trở thành đòn bẩy bất ngờ giúp thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của người dùng về PC, về thiết bị di động? Hãy cùng chờ xem.