Làm việc từ xa do COVID-19: Nữ giới CNTT phải "vật lộn" với việc gia đình

Gần một nửa (46%) phụ nữ khu vực Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực công nghệ đã phải “vật lộn” để sắp xếp ổn thỏa công việc và cuộc sống gia đình kể từ tháng 3/2020.

Theo một báo cáo gần đây của Kaspersky, 25% nữ giới ngành CNTT khu vực Đông Nam Á thích làm việc ở nhà hơn làm việc tại văn phòng. Ngoài ra, 25% cho biết làm việc ở nhà giúp họ đạt hiệu quả cao nhất, và có tới 28% tiết lộ rằng họ có quyền tự chủ hơn khi không làm việc tại văn phòng - trong khi đó số liệu này trên toàn cầu là 33%.

Làm việc từ xa do COVID-19: Nữ giới CNTT phải "vật lộn" với việc gia đình - 1

Những số liệu thống kê khác từ báo cáo cũng nhấn mạnh tiềm năng thúc đẩy bình đẳng giới đối với phụ nữ ngành CNTT khi làm việc từ xa trong giai đoạn COVID-19. Gần một nửa (46%) phụ nữ khu vực Đông Nam Á làm việc trong lĩnh vực công nghệ đã phải “vật lộn” để sắp xếp ổn thỏa công việc và cuộc sống gia đình kể từ tháng 3/2020. Xu hướng này thể hiện nổi bật nhất ở Bắc Mỹ, đồng thời cũng là xu hướng chung trên toàn thế giới.

Khi tìm hiểu sâu hơn, lý do cho sự mất cân bằng này cũng trở nên rõ ràng: 66% cho biết họ phải làm phần lớn việc dọn dẹp trong nhà, 68% dạy con học ở nhà, và 56% phải điều chỉnh thời gian làm việc để chăm sóc gia đình. Kết quả là, 48% phụ nữ cho rằng COVID-19 đã làm trì hoãn, thay vì thúc đẩy, tiến trình phát triển sự nghiệp của họ.

Tiến sĩ Patricia Gestoso - thành viên nổi bật của mạng lưới phụ nữ chuyên gia Ada’s List cho biết: “Ảnh hưởng của đại dịch đối với phụ nữ rất khác nhau. Một số người đánh giá cao tính linh hoạt và việc không phải “đi đi về về” nếu làm việc tại nhà, trong khi những người khác chia sẻ rằng họ đang trên đà kiệt sức”.

Ở trên là kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến với 13.000 người tại 19 quốc gia: Anh (1.000 người), Đức (1.000 người), Pháp (1.000 người), Ý (1.000 người), Tây Ban Nha (1000 người), Mỹ (1.000 người), Canada (1.000 người), Argentina (500 người), Brazil (500 người), Chile (500 người), Columbia (500 người), Mexico (500 người), Peru (500 người), Úc (500 người), Ấn Độ (500 người), Nhật Bản (500 người), Malaysia (500 người), Singapore (500 người) và Việt Nam (500 người).