Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà thiên văn học tin rằng họ đã thấy những dấu hiệu của một hành tinh bên ngoài dải Ngân Hà.
Hành tinh này có kích thước ngang sao Thổ, cách chúng ta 28 triệu năm ánh sáng, thuộc thiên hà Messier 51, hay còn gọi là thiên hà Xoáy Nước.
Phát hiện này vừa được đăng trên tạp chí danh tiếng Nature Astronomy (Thiên văn học Tự nhiên).
Khoảng cách 28 triệu năm ánh sáng là rất, rất xa. Tất cả các ngoại hành tinh - tức là những hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời - đã được tìm ra từ trước đến nay (khoảng hơn 4.000) đều cách chúng ta “chỉ” chưa đầy 3.000 năm ánh sáng.
Khám phá mới này được coi là một bước đột phá trong công cuộc tìm kiếm những hành tinh và những nền văn minh ở rất xa. Dùng kỹ thuật dựa trên các tia X, các nhà thiên văn học dò ra được những ngoại hành tinh ở cách xa chúng ta hơn rất nhiều lần so với những hành tinh được phát hiện trước đây.
Rosanne Di Stefano, thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge, là người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Stefano nói với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA): “Chúng tôi đang cố gắng mở ra một phạm vi mới để tìm kiếm các thế giới khác…, khám phá chúng ở những thiên hà khác”.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hành tinh mới được tìm thấy thuộc thiên hà khác, như trong các bộ phim viễn tưởng vậy. Ảnh: NASA.
Tuy nhiên, để có xác nhận chính xác hơn về sự tồn tại của hành tinh mới được phát hiện ở thiên hà Xoáy Nước thì các nhà thiên văn học sẽ phải đợi thêm vài thập kỷ nữa. Bởi hành tinh này có quỹ đạo rất lớn, phải khoảng 70 năm nữa nó mới lại đi ngang qua trước một ngôi sao hoặc lỗ đen. Điều này khiến nhóm nghiên cứu cảm thấy rất khó để chắc chắn được là khi nào lại tiếp tục theo dõi.
Đây là video thể hiện việc phát hiện một hành tinh bên ngoài dải Ngân Hà:
Nguồn: NASA.
Hiện tại, hành tinh mới được phát hiện được ghi tên là M51-1, nhưng việc có sự sống trên đó, hoặc trên các hành tinh khác ở cùng thiên hà với nó, hay không thì lại là một câu chuyện khác và có lẽ chúng ta không dễ dàng biết được khi nó cách xa Trái Đất đến vậy.