Trước đây vào năm 2016, khi Donald Trump còn tại nhiệm, ông đã có một tuyên bố đanh thép rằng sẽ bắt Apple xây dựng cơ sở hạ tầng ngay trên đất Mỹ thay vì đặt chúng ở những quốc gia khác.
Kế hoạch này của Trump đã bị chế giễu là phi thực tế vì việc từ bỏ những chuỗi cung ứng phức tạp ở nước ngoài và bắt đầu lại mọi thứ ở một đất nước hầu như không có kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết là điều vô cùng khó khăn.
Nhưng phía Apple đã tiếp nhận ý kiến này một cách cởi mở, công ty khá quan tâm đến ý tưởng xây dựng một số trụ sở phần cứng ở Mỹ, bằng chứng là gã khổng lồ xứ Cupertino đã sản xuất Mac Pro tại một nhà máy ở Austin, Texas. Nhưng cũng cần lưu ý là Mac Pro là một sản phẩm thích hợp với việc sản xuất số lượng ít và do đó, các đơn đặt hàng sẽ dễ dàng được sản xuất tại Mỹ hơn so với iPhone.
Vừa qua, một tin tức đáng chú ý là nhà cung cấp TSMC (có trụ sở tại Đài Loan) sẽ sản xuất chip cho Apple tại một nhà máy ở bang Arizona. Mặc dù nơi đây không phải nơi sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện, nhưng TSMC sản xuất chip cho iPhone, iPad, Mac, Apple Watch, Apple TV và gần như mọi thứ Apple bán, vì vậy công ty có thể bắt đầu tuyên bố rằng các thiết bị xuất xưởng từ nơi này sẽ có mác “Made in America”.
Nhiều người đã hy vọng rằng nhà máy Arizona mới sẽ mang đến cho thế hệ iPhone tiếp theo một con chip “thuần Mỹ”. Nhưng điều này sẽ khó xảy ra, vì nhà máy sẽ không mở cửa cho đến năm 2024, từ đó sẽ không thể sản xuất các thành phần cho iPhone 15, Apple Watch Series 9 và thế hệ máy Mac và iPad tiếp theo. Mặc dù TSMC và Apple đã công bố tin tức khá nhanh, nhưng kết quả sẽ còn lâu mới đến.
Ngay cả khi nhà máy đi vào hoạt động, nó cũng sẽ không sản xuất toàn bộ chip mà Apple sử dụng, đơn giản là vì khả năng còn hạn chế. Nó cũng sẽ không được thiết lập cho quy trình sản xuất 3nm mà công ty dự kiến sẽ chuyển sang vào năm 2023.
Nhà máy TSMC trị giá 12 tỷ USD đang được xây dựng tại Arizona.
Nếu mua một chiếc iPhone 13 hoặc 14 vào năm 2024, người dùng có thể bộ xử lý của nó được sản xuất tại Arizona, nhưng điều đó khó có thể áp dụng cho iPhone 15 hoặc 16. Và nhiều khả năng nhà máy sẽ dành một phần nhân lực để sản xuất lượng chip nhỏ hơn dành cho Apple Watch và Apple TV.
Cuối cùng, một vấn đề lớn đối với kế hoạch “Made in America” của Apple là công ty không thực sự có động lực để đưa cơ sở sản xuất của họ về nước và sẽ không thu được lợi ích thực tế nào từ việc làm đó. Việc thực hiện hầu hết các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ vốn đã vô cùng hợp lý vì giá thành lao động ở các quốc gia này rất rẻ, luật lao động có xu hướng không bảo vệ quá nhiều cho người lao động và các nhà máy hiện có được thành lập để sản xuất các sản phẩm công nghệ trên quy mô lớn.
Việc Apple thiết lập một chuỗi cung ứng tại nước ngoài là chiến lược nghiêm túc, nói đúng hơn, mỗi liên kết trong chuỗi là sự lựa chọn tối ưu vì các lý do pháp lý, kinh tế, tài năng hoặc thuế. Đồng nghĩa với việc di chuyển bất kỳ phần nào của chuỗi cung ứng về đất Mỹ sẽ phát sinh chi phí cao hơn và lợi nhuận thấp hơn.
Tóm lại, những ai hy vọng iPhone 15 sẽ được cung cấp sức mạnh bởi một con chip sản xuất tại Mỹ thì đáng buồn là họ sẽ phải thất vọng.
Tất nhiên, nhà máy ở Arizona có thể là khởi đầu của một sự thay đổi lớn. Có thể các ưu đãi tài chính được hứa hẹn bởi các chính quyền sắp tới (bao gồm cả Đạo luật CHIPS đã được ký thành luật vào tháng 8) sẽ khiến Apple rút phần lớn chuỗi cung ứng của công ty trở lại Mỹ. Nhưng điều này sẽ xảy ra nếu và khi nó mang lại lợi ích cho Apple.