Trong bức ảnh mà tàu Hakuto R chụp được, Trái Đất như vừa mọc lên từ Mặt Trăng và trông hơi khác lạ. Nếu nhìn kỹ, một đốm đen lớn đang xuất hiện trên vị trí nước Úc, nổi bật giữa hành tinh xanh ngắt ở mặt ban ngày.
Theo Live Science, khoảnh khắc đặc biệt này được ghi nhận vài ngày trước giây phút "tử nạn" của tàu Hakuto R, đúng vào lúc Trái Đất đang trải qua nhật thực toàn phần (21-4).
Vào ngày đó, bóng đen của nhật thực đã di chuyển từ vùng biển lân cận Nam Đại Dương, đi chéo bản đồ cắt qua nước Úc rồi Indonesia. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam có thể quan sát nhật thực bán phần, trong khi các tỉnh nằm ở dải trung tâm của Úc hay Indonesia có thể quan sát nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên.
Con tàu vũ trụ này là một tàu đổ bộ, được Ispace kỳ vọng là chiến binh tư nhân đầu tiên "đặt chân" lên Mặt Trăng. Tuy nhiên nó đã mất tín hiệu ngay trong ngày hạ cánh dự kiến 26-4, mà trong cuộc họp báo sau đó Ispace cho biết rất có thể tàu đã lao thẳng xuống Mặt Trăng.
Trong tuyên bố mới nhất, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Ispace Takeshi Hakamada cho biết các phân tích sau đó cho thấy tàu vũ trụ có khả năng hết nhiên liệu đẩy đột ngột khi đang hạ cánh.
Con tàu dự định sẽ đáp xuống Mặt Trăng theo phương thẳng đứng, với các chân trụ hạ cánh từ từ xuống bề mặt nhờ có động cơ phản lực chống lại trọng lực, làm chậm cú đáp.
Tuy nhiên nếu nó hết nhiên liệu và động cơ làm chậm không thể chạy, nó có thể gần như rơi tự do xuống bề mặt. Dù trọng lực Mặt Trăng chỉ khoảng 1/6 Trái Đất nhưng một cú tiếp cận "cứng" như thể đủ làm tàu vũ trụ bị vỡ.
Tai nạn tương tự từng xảy ra năm 2019 với tàu vũ trụ Beresheet của Công ty SpaceIL và Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel. Cho đến nay chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc đã có tàu đổ bộ hạ cánh thành công trên Mặt Trăng, nhưng đều là của các cơ quan vũ trụ nhà nước.
Tuy gặp nạn như Ispace cam đoan tàu Hakuto-R đầu tiên này của họ vẫn đem lại rất nhiều dữ liệu quý giá giúp chuẩn bị cho các nhiệm vụ 2 và 3 mà họ đang chuẩn bị.