Theo tờ Space, quả pháo sáng mang tên AT 2020neh bắn ra từ sự kiện TDE (lỗ đen xé sao, trong đó ngôi sao bị lực thủy triều - một hiệu ứng trọng trường - kéo thẳng về phía tâm lỗ đen đến khi rách toạc do sự chênh lệch độ mạnh trong trường hấp dẫn của 2 vật thể đã được các nhà khoa học trong Thí nghiệm Siêu tân tinh trẻ (YSE) tìm thấy, thông qua việc nghiên cứu dữ liệu Hubble.
Trong nghiên cứu mới, nhóm khoa học gia quốc tế dẫn đầu bởi Trường Đại học California ở Santa Cruz - Mỹ đã lần ngược theo hướng AT 2020neh và tìm thấy một thứ đáng giá hơn: một lỗ đen quái vật trong thiên hà lùn SDSS J152120.07 + 140410.5, cách chúng ta 850 triệu năm ánh sáng.
Đây là lần hiếm hoi lỗ đen có thể được tìm thấy thông qua hành vi tự phát tín hiệu của chính nó. Sự kiện TDE gây bùng nổ bắt nguồn từ một ngôi sao xui xẻo đã đến quá gần lỗ đen và bị nó xé toạc.
Lỗ đen quái vật này ước tính có kích thước khoảng 100.000 đến 1 triệu lần Mặt Trời, tức có thể là lỗ đen lớp trung bình (phạm vi khối lượng từ 100 - 100.000 lần Mặt Trời) hoặc lỗ đen siêu khối.
Lỗ đen vốn không thể nhìn thấy được bởi nó là vật thể hoàn toàn tối, nhưng chính TDE khiến nó hiện ra trước mắt giới thiên văn bởi luồng bức xạ được phát ra vượt xa ánh sáng của tất cả các ngôi sao trong thiên hà lùn này cộng lại.
Với một kính viễn vọng siêu mạnh như Hubble của NASA, đó là một cú "dội bom" cực kỳ rõ ràng, không phải một tín hiệu tố cáo, mà như lời tuyên bố về sự tồn tại của mình mà quái vật vũ trụ này gửi đến người Trái Đất.
Các nhà khoa học hy vọng lỗ đen mới sẽ nhỏ, nằm ở mức thấp nhất trong khoảng khối lượng đã được tính toán ở trên. Bởi nếu nó là lỗ đen trung bình, nó sẽ là phát hiện cực kỳ hiếm và phát hiện nói trên sẽ tạo tiền đề cho phương pháp dùng TDE để nghiên cứu, đo đạc khối lượng các lỗ đen trung bình, một phương pháp từng được ứng dụng cho lỗ đen siêu khối.