Khó xử lý hình ảnh bị lộ, lọt
Hàng loạt vụ việc liên quan lộ lọt thông tin cá nhân , quay lén được phát hiện trong thời gian gần đây khiến nhiều người bàng hoàng. Nạn nhân không chỉ là người nổi tiếng mà có thể là bất cứ ai.
Camera giấu kín được lắp trong phòng vệ sinh tại một phòng trọ ở quận Hà Đông.
Qua những vụ việc đã xảy ra có thể thấy hành vi quay lén không chỉ được thực hiện trong không gian kín, camera được lắp đặt tinh vi mà còn xảy ra ở không gian công cộng. Những đối tượng xấu lợi dụng lúc nạn nhân không cẩn thận để ghi lại những hình ảnh hớ hênh, nhạy cảm của các cô gái và đăng lên mạng xã hội .
TS. Đoàn Trung Sơn - Giám đốc chương trình đào tạo an toàn thông tin, Đại học Phenikaa - khẳng định các vụ việc quay lén ngày càng nhiều và khó lường.
Các thiết bị camera để quay lén có kích thước ngày càng nhỏ và ngụy trang ngày càng tinh vi. Vị trí lắp camera quay lén cũng được tính toán kỹ càng ít gây nghi ngờ, chú ý cho nạn nhân.
Camera được lắp đặt tinh vi trong ổ cắm điện tại phòng trọ quận Cầu Giấy.
"Trước đây các vụ lộ, lọt thông tin nhạy cảm đa phần là bị lấy mất tài khoản như đăng nhập camera IP, xâm nhập các thiết bị IoT (Internet of things)... Nhưng gần đây các vụ lộ, lọt thông tin các nhân đến từ hành vi chủ động lắp đặt thiết bị quay lén trong các khu vực nhạy cảm. Các đối tượng đã mở rộng phạm vi đặt camera khiến các nạn nhân không lường trước được", TS. Đoàn Trung Sơn cho biết.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Cty Công nghệ an ninh mạng quốc gia NCS - cho biết về mặt kỹ thuật, việc thu hồi hay xóa các dữ liệu bị rò rỉ trên không gian mạng là tương đối khó khăn. Bởi vì những hình ảnh này đã được lưu giữ ở nhiều máy tính, máy chủ khác nhau, rất khó xóa bỏ tất cả nguồn lưu trữ này.
Thông tin khi bị lộ, lọt trên mạng xã hội rất khó để thu hồi, gỡ bỏ.
Nhờ hỗ trợ để gỡ hình ảnh nhạy cảm
Nếu không may bị quay lén, phát tán trên các website đen , nạn nhân có thể liên hệ, gửi thư đến các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft hay Facebook. Những nền tảng này đang hỗ trợ việc gỡ bỏ hình ảnh cá nhân tục tĩu, nhạy cảm hoặc ngăn chặn xuất hiện kết quả tìm kiếm có liên quan đến hình ảnh hoặc đoạn video bị phát tán của nạn nhân.
Một khi thông tin đã bị phát tán trên mạng xã hội, ngoài việc tìm được người đăng và yêu cầu gỡ, xóa các hình ảnh vi phạm, rất khó để có cách xử lý khác.
“Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo để phát tán, báo cáo tài khoản này lại có tài khoản khác, việc chạy theo như vậy rất tốn công và hiệu quả không cao”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu.
Vì vậy, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho rằng mọi người cần phải ngăn chặn từ trước để không tạo cơ hội cho kẻ xấu. Phái nữ cần cẩn thận khi đến các địa điểm lạ, kiểm tra kỹ bằng các thiết bị chuyên biệt phát hiện camera quay lén.
TS. Đoàn Trung Sơn lại cho rằng một khi thông tin nhạy cảm đã bị phát tán cần phải đến cơ quan công an gần nhất trình báo sự việc và để cơ quan công an xử lý. Chuyên gia khuyên nạn nhân nên bình tĩnh để phối hợp cùng cơ quan chức năng, sớm tìm ra tội phạm.
Một đối tượng gắn camera quay lén trong nhà nghỉ để tống tiền đã bị bắt ngày 4/7 tại Hà Tĩnh.
Một số chuyên gia đề xuất siết chặt hoạt động mua bán, sử dụng các thiết bị camera ngụy trang. Những sản phẩm này cần được coi là sản phẩm kinh doanh có điều kiện hoặc được cấp phép mới được mua bán.
Những nơi camera quay lén được lắp đặt thường là thiết bị báo động khói, đồng hồ treo tường (báo thức), máy lạnh, nội thất trang trí tường, móc quần áo, ổ cắm điện, đèn bàn, đèn tín hiệu phía dưới tivi. Ngoài ra, trên cây lau nhà, lỗ trên cửa, mái nhà, chuông cửa cũng đều có thể lắp camera.
Nếu mắt thường không phát hiện được camera giấu kín, mọi người có thể dùng thiết bị đơn giản nhất là điện thoại thông minh. Đầu tiên, cần tắt hết đèn kể cả màn hình điện thoại. Nếu có bất kỳ đèn LED nào sáng nhấp nháy hoặc phát sáng mà không rõ nguồn gốc, đó có thể là các camera giấu kín.