Nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy Sao Hỏa cổ đại - thế giới được cho là từng ẩm ướt hơn cả Trái Đất - đã sở hữu những thung lũng sông y hệt hành tinh chúng ta một cách nhanh chóng và ngoạn mục. Theo nhà địa chất học Tim Goudge từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên.
Thứ biến đổi Sao Hỏa được họ gọi là ''lực lượng bí ẩn'', nhưng không phải người ngoài hành tinh, mà là một lực lượng tự nhiên, vô tình do nhiều yếu tố cấu thành.
Nhìn tổng quan, một đợt đại hồng thủy toàn cầu đã biến đổi Sao Hỏa sơ khai trơ trụi thành một hành tinh có hệ thống sông ngòi, hồ, thung lũng... y hệt Trái Đất. Đợt đại hồng thủy này lại có nguyên nhân sâu xa từ các tiểu hành tinh, thiên thạch đã tấn công Sao Hỏa trong thuở "khai thiên lập địa''.
Theo Science Alert, Sao Hỏa hay Trái Đất đều có một khởi đầu ''thảm thương'' bởi liên tục hứng chịu các tác động ngoài hành tinh. Nhưng hoạt động kiến tạo sôi nổi đã giúp Trái Đất xóa đi những ''vết sẹo'' đó. Sao Hỏa thì không. Đến ngày nay, bề mặt nó vẫn đầy những miệng hố va chạm khổng lồ.
Sao Hỏa cổ đại cũng thế. Nhiều miệng hố va chạm trở thành các hồ chứa tự nhiên khi Sao Hỏa còn giàu nước. Thời đó Sao Hỏa đã có sông, nhưng chưa nhiều, và 24% lượng nước vẫn tập trung trong các hồ - miệng hố va chạm - này.
Trong một khoảnh khắc bất ngờ, các miệng hố va chạm chứa đầy nước này bắt đầu vỡ và gây nên tác động dây chuyền. Một trận lũ lụt kinh hoàng đã xảy ra trên Sao Hỏa cổ đại mà bằng chứng là 262 miệng hố va chạm bị vỡ mà nhóm khoa học gia đã tìm thấy từ dữ liệu NASA. Trận lũ kéo dài vài tuần, thay đổi toàn bộ cảnh quan Sao Hỏa, ''điêu khắc'' nên những thung lũng sông y hệt Trái Đất.
Rất tiếc do nhiều yếu tố, Sao Hỏa không giữ được nước của mình lâu dài và trong vài tỉ năm qua đã trở nên khô cằn, và có thể đã kéo theo sự tuyệt chủng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.