Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) vừa ban hành công văn hướng dẫn chi tiết gửi tới BHXH các khu vực cùng BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo đó, kể từ ngày 1/6, việc cấp đổi, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bản giấy sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, các cơ quan BHXH sẽ thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử thông qua ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID), ứng dụng định danh điện tử (VNeID) hoặc sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip để người dân thuận tiện hơn khi đi khám, chữa bệnh.

Từ 1/6 việc cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT sẽ thực hiện trên ứng dụng bảo hiểm số VssID, ứng dụng định danh điện tử VNeID,... (Ảnh minh hoạ)
Thẻ BHYT bản giấy chỉ được cấp mới trong các trường hợp thật sự đặc biệt, chẳng hạn như người tham gia không thể cài đặt ứng dụng VssID, ứng dụng định danh điện tử VNeID hoặc không sở hữu CCCD gắn chip. Những trường hợp còn lại, cán bộ BHXH được yêu cầu hướng dẫn người tham gia BHYT tải và cài đặt ứng dụng số để tiện lợi hơn trong quá trình khám chữa bệnh, thay thế hoàn toàn cho thẻ giấy truyền thống.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT trong giai đoạn chuyển giao từ hình thức giấy sang điện tử, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT giấy cũ đến hết ngày 31/5. Đồng thời, các đơn vị cũng phải chủ động phổ biến, tuyên truyền rộng rãi để người dân sớm thích ứng với việc dùng ứng dụng điện tử hoặc CCCD gắn chip thay cho việc xuất trình thẻ giấy truyền thống.
Trước đó, theo Quyết định số 391 của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam đã thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhằm tối ưu hóa hoạt động và tăng cường hiệu quả quản lý trên cả nước. Tại cấp trung ương, số lượng các đơn vị đầu mối giảm mạnh từ 21 xuống còn 14 đơn vị. Còn tại các địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố được tổ chức lại thành 35 BHXH khu vực.
Trong số này, có 10 khu vực sẽ bắt đầu hoạt động theo bộ máy mới ngay từ ngày 1/4, do cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và quy trình nghiệp vụ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. 25 khu vực còn lại dự kiến hoạt động theo bộ máy mới từ ngày 1/6 tới đây.
BHXH Việt Nam cũng lưu ý trong giai đoạn chuyển đổi, các đơn vị BHXH cấp tỉnh, huyện phải tiếp tục duy trì, mở rộng tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, tăng cường độ bao phủ bảo hiểm trong cộng đồng. Đặc biệt, các cơ quan cần đảm bảo tuyệt đối quyền lợi của người tham gia và người thụ hưởng các chính sách về BHYT được diễn ra thông suốt, minh bạch và đúng theo quy định của pháp luật.
10 đơn vị BHXH khu vực hoạt động theo bộ máy mở từ 1/4 gồm BHXH khu vực: I (Hà Nội); IV (Bình Dương); VI (Thanh Hóa); VII (Nghệ An); X (Thái Nguyên - Bắc Kạn); XI (Bắc Giang - Bắc Ninh); XVII (Yên Bái - Lào Cai); XIX (Hà Giang - Tuyên Quang); XXII (Đà Nẵng - Quảng Nam); XXXII (Cà Mau - Bạc Liêu).
25 đơn vị sẽ hoạt động từ 1/6 gồm BHXH các khu vực: II (TP.Hồ Chí Minh), III (TP.Cần Thơ), V (Đồng Nai), VIII (Hải Phòng - Thái Bình), IX (Lạng Sơn - Cao Bằng), XII (Hải Dương - Quảng Ninh), khu vực XIII (Nam Định - Ninh Bình), XIV (Hưng Yên - Hà Nam), XV (Sơn La - Hòa Bình), XVI (Điện Biên - Lai Châu), XVII (Phú Thọ - Vĩnh Phúc), XX (Hà Tĩnh - Quảng Bình), XXI (Huế - Quảng Trị), XXIII (Bình Định - Quảng Ngãi), XXIV (Khánh Hòa - Phú Yên), XXV (Đắk Lắk - Đắk Nông), XXVI (Gia Lai - Kon Tum), XXVII (Lâm Đồng - Ninh Thuận), XXVIII (Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Thuận), XXIX (Tây Ninh - Bình Phước), XXX (An Giang - Đồng Tháp), XXXI (Kiên Giang - Hậu Giang), XXXIII (Sóc Trăng - Trà Vinh), XXXIV (Long An - Tiền Giang) và XXXV (Bến Tre - Vĩnh Long).