Có một sự thật dễ nhận thấy là thời gian dường như dài bất tận nếu chúng ta phải chờ đợi một điều gì. Tuy nhiên, một giờ đồng hồ dường như lại trôi nhanh với tốc độ chóng mặt trong những dịp lễ lộc, vui chơi. Đây cũng là lý do nhiều người luôn cảm thán rằng "sao Tết năm nay đến nhanh cũng đi vội quá!". Thực ra, có một lời giải thích khoa học cho điều này.
Cách bộ não của chúng ta cảm nhận thời gian
Tiến sĩ Marc Wittmann, đến từ Viện Tâm lý và Sức khỏe Tâm thần ở Freiburg (Đức), đã thực hiện một thí nghiệm, trong đó những người tham gia sẽ nằm trong máy quét fMRI và được yêu cầu đánh giá cảm nhận về khoảng thời gian 18 giây.
Ông phát hiện ra những người có nhiều hoạt động hơn trong một phần của não, được gọi là vỏ não trong, đưa ra những phán đoán chính xác hơn về thời gian. "Vỏ não trong chịu trách nhiệm tích hợp các tín hiệu từ khắp cơ thể và cho phép chúng ta 'cảm nhận' về thời gian trôi qua", Tiến sĩ Wittmann nói.
Những khi vui vẻ, bận rộn, chúng ta có thể mất cảm giác về thời gian
"Chúng ta cảm nhận độ dài của thời gian thông qua cảm giác của bản thân mình. Những lúc chúng ta không làm bất cứ điều gì, chúng ta ít bị phân tâm và nhạy cảm hơn khi cảm nhận về thời gian trôi qua. Trong những thời điểm buồn chán, bởi vì chúng ta cảm nhận quá mức cảm xúc của chính mình, thời gian vì thế cũng kéo dài hơn ", Tiến sĩ Wittmann cho biết thêm.
Một ví dụ khác về cách chúng ta cảm nhận thời gian khi chờ đợi. Hầu hết chúng ta có lẽ đều cảm nhận việc thời gian trôi qua một cách chậm rãi nếu phải chờ đợi điều gì.
Theo nhà thần kinh học nhận thức Muireann Irish từ Đại học Sydney, các nghiên cứu chỉ ra rằng điều này đặc biệt xảy ra khi chúng ta đang mong chờ một điều gì đó. Thử nghĩ xem khi một đứa trẻ liên tục hỏi, "Chúng ta đã đến chưa?" hoặc, "Bao lâu nữa con có thể mở quà của mình?".
"Nếu chúng ta đang mong chờ một điều gì đó… thời gian dường như càng dài hơn và bạn thực sự cảm thấy nó trôi qua thật chậm ", Tiến sĩ Irish nói. " Thời gian thậm chí có thể kéo dài hơn nếu bạn thuộc tuýp người bốc đồng, hay nôn nóng và dễ tức giận khi bạn không đạt được điều mình muốn ngay lập tức ".
Trong một nghiên cứu của Marc Wittmann, những người buộc phải ngồi trong phòng mà không làm gì trong 7,5 phút có những cảm nhận khác nhau về thời gian. Một số người nói rằng họ cảm giác như chỉ là hai phút rưỡi, trong khi đối với những người bốc đồng nhất thì có vẻ như là 20 phút. Vì vậy, không chỉ các yếu tố bên ngoài mà tính cách chúng ta cũng ảnh hưởng đến nhận thức về thời gian.
Nếu chúng ta đang mong chờ một điều gì đó… thời gian dường như càng dài hơn và bạn thực sự cảm thấy nó trôi qua rất chậm
Mặc dù thời gian đôi khi có thể kéo dài, nó cũng có thể trôi thật nhanh khi bạn ít để ý nó nhất, chẳng hạn khi bạn đang vui vẻ. " Điều này là do chúng ta chỉ dành một sự chú ý nhất định để quan tâm đến điều gì đó ", Tiến sĩ Irish nhận định.
Nếu chúng ta đang tập trung vào điều gì đó vui vẻ thì chúng ta ít chú ý đến việc thời gian trôi qua hơn, và nó dường như trôi nhanh hơn. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn bận. " Khi chúng ta làm nhiều việc một lúc và cực kỳ bận rộn, chúng ta có thể sẽ thấy một ngày trôi qua cực kỳ nhanh chóng và chúng ta không biết tất cả thời gian đó đã đi đâu ", bà chia sẻ.
Ý kiến này cũng được Tiến sĩ Wittmann tán đồng. Theo ông, đôi khi làm việc theo bản năng hoặc thói quen có thể khiến thời gian trôi nhanh đến mức chúng ta bị căng thẳng.
Càng lớn ta càng thấy thời gian trôi qua nhanh chóng
Vào những năm 1800, triết gia người Pháp Paul Janet cho rằng chúng ta nhận thức thời gian tương ứng với khoảng thời gian chúng ta đã sống.
Thuyết này mô tả độ dày biểu kiến của một khoảng thời gian tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời con người tỷ lệ thuận với tổng độ dài của cuộc đời. Nói dễ hiểu, khi con người già đi, mỗi khoảng thời gian sẽ trở thành một phần nhỏ trong toàn bộ cuộc sống của họ.
Các lý thuyết hiện tại cho thấy nhận thức của chúng ta về thời gian dựa trên số lượng ký ức đáng nhớ của cuộc đời
Giả sử, năm bạn lên 10 tuổi, một năm trôi qua khi đó được tính bằng 1/10 hay 10% cuộc đời bạn. Và khi vào năm bạn 20 tuổi, một năm khi đó chỉ còn bằng 1/20 hay 5% cuộc đời mà thôi.
Nhưng theo Tiến sĩ Irish, các lý thuyết hiện tại cho thấy nhận thức của chúng ta về thời gian dựa trên số lượng ký ức đáng nhớ của cuộc đời.
Nhà thần kinh học David Eagleman giải thích rằng, khi một trải nghiệm được lặp lại thường xuyên, các tế bào thần kinh sẽ ít được kích hoạt hơn. Mặt khác, ký ức về những trải nghiệm mới lạ phong phú hơn khiến các tế bào thần kinh được kích hoạt nhiều hơn.
Nhận thức của chúng ta về thời gian dựa trên số lượng ký ức đáng nhớ của chúng ta. Giai đoạn tinh túy của những trải nghiệm mới là thời thơ ấu. Trong thời thơ ấu, chúng ta có những cuộc phiêu lưu sáng tạo hàng ngày. Tất cả mọi thứ đều được khám phá, học hỏi.
Những kỷ niệm được hình thành khi chúng ta có những trải nghiệm mới, và cảm xúc gắn liền với trải nghiệm càng mạnh mẽ thì ký ức đó càng lâu dài.
"Cho dù đó là một tai nạn đau thương hay một nụ hôn đầu thú vị, thì việc xác định ký ức là một phần của con người chúng ta ", Tiến sĩ Irish nhận định. " Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có xu hướng có nhiều trải nghiệm hình thành hơn - lần hẹn hò đầu tiên, kết hôn, có con đầu lòng - nhưng khi chúng ta già đi, chúng ta thường làm theo thói quen và có ít trải nghiệm mới. "
Điều này đồng nghĩa, chúng ta càng trải qua nhiều trải nghiệm mới lạ và càng có nhiều ký ức, chúng ta sẽ càng cảm thấy thời gian được "kéo dài". Tuy nhiên, cuộc sống của một người trưởng thành có xu hướng lặp lại thường xuyên với công việc, gia đình và trách nhiệm. Do đó, những trải nghiệm mới ngày càng ít và thời gian dường như càng trôi qua nhanh chóng khi chúng ta già đi.