Lisa Neilson (34 tuổi), hiện đang sống ở Anh vừa phát hiện sự thật phũ phàng về chiếc smartphone của mình - cụ thể là Galaxy S10 - sau khi nhận thấy những dấu hiệu rất đáng ngờ.
Trước đó, cô có đặt mua một chiếc ốp bảo vệ máy trên eBay với giá 2,7 Bảng Anh, tương đương 80.000 đồng. Từ đó, Lisa vẫn sử dụng bình thường, nhưng mọi chuyện dần trở nên kỳ quặc với tính năng mở khóa vân tay của cô: Tất cả những ngón tay khác dù chưa được đăng ký mẫu vân tay đều có thể mở máy trơn tru, không một lỗi lầm!
Tệ hơn, Lisa đem thử nghiệm với nhiều người thân khác và họ cũng đều cho ra kết quả tương tự, bất kỳ ai cũng có thể mở được chiếc Galaxy S10 ngay cả khi chưa từng động vào nó trước kia. Thậm chí, hình thức bảo mật vân tay lần 2 cho các ứng dụng thanh toán của cô cũng có thể bị mở dễ dàng qua một thao tác, khiến Lisa hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra với chiếc điện thoại của mình.
Tuy nhiên, sau khi tháo chiếc ốp bảo vệ ra và thử lắp vào một chiếc Samsung khác của em gái mình, Lisa tiếp tục bất ngờ vì một tình tiết mới. Khi đó, điện thoại của em gái cô cũng lâm vào tình trạng tương tự, khiến mọi nghi ngờ được đổ dồn về chiếc ốp bảo vệ thay vì bản thân những chiếc smartphone.
Lời giải kịp thời và hợp lý
Công ty sản xuất mẫu ốp bảo vệ mà Lisa mua đã nhận được thông báo và đang tiến hành điều tra. Tuy nhiên, theo vài nguồn tin hiện tại, một ý kiến đã nhanh chóng được đưa ra khá hợp lý và khoa học, giải thích cho hiện tượng khó hiểu tiềm tàng rủi ro trên, nhất là khi đã có vài trường hợp khác xảy ra tương tự trên thế giới, không chỉ có mình Lisa.
Được biết, loại ốp bảo vệ mà Lisa mua không phải loại ốp lưng thông thường, mà nó có thể bao trọn cả mặt trước và sau của điện thoại, đảm bảo cả màn hình lẫn lưng kính được gia cố thêm. Và đó chính là điểm mấu chốt được khai thác và tìm ra lời giải phù hợp nhất.
Lisa và chồng đã thử nghiệm với mọi vân tay đều mở được khoá, và loại ốp cô dùng có thể bao bọc cả mặt trước và sau của máy.
Thì ra mọi thứ không hẳn bị đổ tội 100% cho chiếc ốp bảo vệ, mà thực ra còn có phần liên quan tới chính cơ chế bảo mật vân tay của chiếc smartphone. Cụ thể, thế hệ Galaxy S10/Note 10 của Samsung sử dụng cảm biến vân tay siêu âm kiểu mới thay vì hình thức truyền thống như trước. Khi đó, sóng siêu âm được phát ra từ cảm biến dưới màn hình, chạm tới đầu ngón tay người dùng và phản hồi lại để máy nhận biết mở khóa.
Tuy vậy, chính việc lắp ốp bảo vệ che chắn cả mặt kính màn hình đã khiến cơ chế này bị trục trặc. Nếu đó là một loại ốp kính cứng, sóng siêu âm bị gián đoạn và chặn lại, không thể thu nhận tín hiệu như dự tính từ vân tay chủ nhân nên sẽ trở nên vô hiệu hóa hoàn toàn. Mặt khác, nếu dùng loại ốp bảo vệ dạng dẻo và mỏng như Lisa, tín hiệu vẫn có thể đi qua nhưng phần tiếp xúc dẻo sẽ in dấu vân tay sau lần sử dụng đó, khiến máy bị hiểu lầm vào những lần sau. Vì thế, bất kỳ ai khác dù chưa đăng ký nhưng chỉ cần nhấn lại vị trí Lisa từng dí ngón tay cũng có thể mở máy.
Hiện tại, chỉ có những mẫu smartphone cao cấp của Samsung mới ứng dụng công nghệ mở khóa vân tay sóng siêu âm. Do đó, đôi khi phát minh hiện đại quá so với thế giới cũng nảy sinh nhiều tình huống dở khóc dở cười vì chưa lường tính được hết mọi chuyện. Cách khắc phục hiệu quả nhất là không che chắn màn hình smartphone bằng các lớp bảo vệ, hoặc tìm tới các loại phụ kiện cao cấp thực sự, được chứng minh không gây ảnh hưởng tới quá trình thu nhận tín hiệu bảo mật sóng siêu âm.