Mỹ phát triển mạng internet có tốc độ “không tưởng”

(NLĐO) - ESnet6 do Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) phát triển trở thành mạng internet tốc độ nhanh nhất thế giới với khả năng truyền dữ liệu lên tới 46 Terabit/giây.

Chuyên trang Interesting Engineering cho biết Mạng lưới khoa học Năng lượng (ESnet) của DOE hiện đã được nâng cấp lên ESnet6 với băng tần 46 Terabit/giây (Tbps).

ESnet6 nhanh gấp 46.000 lần mạng internet tốc độ cao một Gigabit/giây (Gbps), trong khi tốc độ internet trung bình tại Mỹ trong năm 2022 khoảng 119,03 Megabit/giây.

"ESnet6 thể hiện sự thay đổi trong cách xây dựng mạng internet để nghiên cứu với hiệu suất, độ bền bỉ và linh hoạt cao hơn. Tốc độ mới giúp các nhà khoa học trên khắp thế giới cộng tác trong nghiên cứu đột phá một cách nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn" - Giám đốc điều hành (CEO) Inder Monga của ESnet, nhấn mạnh.

Mỹ phát triển mạng internet có tốc độ “không tưởng” - 1
Mỹ phát triển mạng internet có tốc độ “không tưởng” - 2

Bộ Năng lượng Mỹ tiết lộ ESnet được lắp đặt vào năm 1986 và cứ 4 năm lưu lượng truy cập ESnet lại tăng gấp chục lần. Truy cập ESnet đóng vai trò cơ bản giúp thúc đẩy tiến bộ khoa học. Mạng đã trải qua vài lần nâng cấp và truyền 1,1 exabyte dữ liệu vào năm 2021.

"ESnet6 bao gồm 24.000 km sợi cáp quang với đường truyền chính có tốc độ từ 400 Gbps đến 1 Tbps để truyền dữ liệu trong thời gian nhanh kỷ lục. Hệ thống cũng có công nghệ bảo mật tiên tiến. Các dịch vụ có thể tùy chỉnh qua một nền tảng tự động mới. Riêng với ESnet6, các nhà khoa học giờ đây có thể xử lý, chia sẻ và lưu trữ dữ liệu từ công trình nghiên cứu và thí nghiệm của DOE" - DOE cho biết thêm.

Do đó, ESnet6 sẽ tạo điều kiện cho nhà khoa học gửi bộ dữ liệu tạo ra từ những thí nghiệm sử dụng công cụ quy mô lớn như máy giải trình tự hệ gene, đài quan sát thiên văn, nguồn sáng tia X và máy gia tốc hạt.

Cũng nhờ ESnet6, các nhà nghiên cứu của DOE được trang bị công nghệ tinh vi nhất để xử lý thách thức trong các lĩnh vực như khoa học khí hậu, năng lượng sạch, sản xuất bán dẫn, vi điện tử và kể cả phát triển thông tin lượng tử.