Ngày 28/2, Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản ngân sách nhà nước lên tới 1 tỷ USD dành cho các nhà mạng nhỏ của nước này nhằm mục tiêu thay thế toàn bộ mọi thiết bị liên quan đến hệ thống viễn thông có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa thị trường viễn thông Mỹ sẽ không còn hai tên tuổi Huawei và ZTE của Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 12/2019, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua tên Dự luật Mạng Viễn thông tin cậy và bảo mật. Đây là một dự luật nghiêm cấm Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) phân bổ tiền ngân sách cho các nhà mạng mua sắm thiết bị từ các công ty có nguy cơ an ninh.
Dự luật yêu cầu FCC phải lập quỹ 1 tỷ USD để giúp các nhà mạng nhỏ loại bỏ, thay thế thiết bị từ những công ty này và lên danh sách các doanh nghiệp đe dọa an ninh của mạng viễn thông.
Hiện nay, ngoài các nhà mạng lớn như AT&T, T-Mobile, Verizon... thì tại khu vực nông thôn nước này, các nhà mang nhỏ có ít hơn 100.000 thuê bao, ước tính 25% nhà mạng này dùng thiết bị Huawei và ZTE cho biết sẽ tốn 800 triệu đến 1 tỷ USD để thay thế thiết bị của Trung Quốc.
Dự luật này sau khi được Thượng viện Mỹ đã thông qua sẽ được trình lên tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn trước khi chính thức trở thành đạo luật mới.
Trước đó, hồi tháng 5/2019, Huawei đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại. Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc có các hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Vào tháng 8, FTC đã bổ sung thêm 40 chi nhánh của Huawei vào danh sách đen thương mại của mình, nâng tổng số “thực thể” của Huawei bị Mỹ ngăn chặn vượt con số 100.
Chính quyền Tổng thống Trump còn gây áp lực lên đồng minh để loại bỏ Huawei. Tuy nhiên, đầu năm nay, Anh quyết định cho công ty Trung Quốc tham gia vào mạng 5G nhưng với vai trò hạn chế.