Đây là hành động leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei.
Theo bản cáo trạng, Huawei bị buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ sáu công ty công nghệ Mỹ (liên quan đến mã nguồn của router, công nghệ ăng-ten di động và robot), cài đặt các thiết bị giám sát để theo dõi những người biểu tình chống chính phủ tại Iran hồi năm 2009.
Bản cáo trạng là một phần nỗ lực nhằm làm tổn hại danh tiếng của Huawei vì lí do cạnh tranh hơn là thực thi pháp luật, Huawei cho biết trong một tuyên bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Geng Shuang đã kêu gọi Mỹ ngừng ngay lập tức việc đàn áp các công ty Trung Quốc mà không có lí do. Những hành động như vậy làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Mỹ, ông nói.
Khi bắt đầu cộng tác với các công ty Mỹ vào năm 2003, Huawei đã bị Cisco Systems cáo buộc ăn cắp mã nguồn router. Dù không thừa nhận nhưng đến năm 2004 Huawei đã sửa đổi lại mã nguồn trên các thiết bị của mình trong im ắng.
Tuy nhiên, gần chín năm sau đó, Huawei cho biết vào thời điểm đó công ty đã cung cấp mã nguồn cho Cisco xem xét, kết quả là không có bất kỳ vi phạm nào nên Cisco đã hủy bỏ vụ kiện.
Không riêng gì Cisco, Huawei còn bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại của Motorola và T-Mobile, dẫn đến một loạt các vụ kiện và thanh toán.
Theo trang Android Headlines, T-Mobile đã kiện Huawei vào năm 2014 vì tội chiếm đoạt bí mật thương mại, cáo buộc công ty ăn cắp thiết kế “Tappy”, một robot được tạo ra vào năm 2007 để kiểm tra hiệu suất màn hình cảm ứng của smartphone.
Nhà mạng này cho biết hành vi trộm cắp xảy ra vào năm 2012-2013, khi hai nhân viên của Huawei đến thăm một trong những cơ sở của hãng ở Bellevue, Washington.
Không lâu sau T-Mobile đã loại bỏ tất cả thiết bị do Huawei sản xuất ra khỏi danh mục đầu tư, việc này đã khiến Huawei thua lỗ và bị kết tội chiếm dụng vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, Huawei chỉ phải trả 4,8 triệu USD tiền thiệt hại cho T-Mobile thay vì 500 triệu USD như dự tính ban đầu.
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã rời khỏi Tòa án tối cao sau phiên điều trần dẫn độ tại Vancouver (Canada). Ảnh: Reuters
Bản cáo trạng cũng cáo buộc bà Mạnh âm mưu lừa gạt HSBC và các ngân hàng khác bằng cách xuyên tạc mối quan hệ của Huawei với một loạt công ty hoạt động tại Iran.
Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại vào tháng 5-2019, điều này đã khiến các công ty Mỹ không thể cung cấp linh kiện cho Huawei và ngược lại.
Tuy nhiên, Bộ thương mại Mỹ mới đây đã tuyên bố gia hạn giấy phép kinh doanh tạm thời trong vòng 45 ngày cho các công ty Mỹ để họ có thể tiếp tục làm ăn với Huawei. Động thái này nhằm duy trì các thiết bị hiện có và cho phép các nhà mạng ở nông thông Mỹ có thêm thời gian để tìm giải pháp thay thế những sản phẩm của Huawei.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng liên tục gây sức ép với các quốc gia đồng minh khác để kêu gọi loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông vì lo ngại âm mưu gián điệp của Trung Quốc.