Mã QR trên CCCD gắn chip mới có tác dụng gì?
Theo đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, mã QR code được in ở mặt trước, phía góc phải trên cùng của thẻ CCCD gắn chip, lưu trữ 6 trường thông tin cơ bản của công dân gồm: Số CCCD gắn chip mới, họ và tên, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp, số CMND 9 số đã được cấp.
Theo đó, chỉ cần dùng máy quét mã thì toàn bộ các thông tin của người dân sẽ hiện lên phần mềm.
Khi đi làm các giấy tờ thủ tục, người dân không phải kê khai không tin. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự có thể quét mã QR để kiểm tra thông tin nhân thân, số CMND cũ của công dân trên thẻ CCCD gắn chip, không yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận số CMND (thông tin trong mã QR code được Bộ Công an xác thực) nếu công dân đã có thẻ CCCD gắn chip mới.
Chip điện tử trên thẻ CCCD gắn chip mới có tác dụng gì?
Chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được gắn ở mặt sau thẻ Căn CCCD gắn chip.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), chip điện tử trên CCCD gắn chip mã hóa các dữ liệu cá nhân (sinh trắc học) cơ bản của công dân (họ tên, quê quán...) và vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng.
Ngoài ra, chip điện tử trên CCCD gắn chip có thể cập nhập các thông tin cá nhân như bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe... Việc cập nhật sẽ được thực hiện thông qua sự chủ động của người dân (đến thông báo tại cơ quan chức năng) hoặc thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Loại chip điện tử CCCD gắn chip phải có đầu đọc chuyên dụng mới trích xuất được thông tin. Các cơ quan, tổ chức tùy theo nhiệm vụ sẽ được trang bị máy đọc thông tin phù hợp với chức năng giải quyết thủ tục hành chính.
Như vậy, chip điện tử trên thẻ CCCD gắn chip chứa nhiều thông tin cá nhân hơn mã QR. Trong khi mã QR chỉ lưu trữ 6 trường thông tin cơ bản công dân thì chip điện tử trên CCCD gắn chip được tích hợp nhiều dữ liệu hơn như BHXH, giấy phép lái xe…